Học đại học với sự đam mê

Thứ hai - 03/06/2024 03:01
Bắt đầu từ một suy tư rằng, sự khác biệt lớn của mỗi người chính là ở chữ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám thay đổi bản thân.
Tôi sinh ra trong một gia đình mà tôi ví sự thiếu thốn của nó như một tấm chiếu không đủ kích thước, nghĩa là nếu trong cuộc sống muốn lo phần này thì sẽ luôn thiếu phần còn lại. Hồi cấp III, tôi chọn học ở Trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) để phù hợp với điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình. Sau những nỗ lực không ngừng, tôi đã thực hiện được ước mơ bước chân vào giảng đường đại học. Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ học Thạc sĩ, bởi vì nó không dễ dàng gì đối với tôi. Sau những hoài mong, khát khao, nỗ lực thì hiện tại tôi đang theo học Thạc sĩ ngành Công tác xã hội tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc Gia TP.HCM). Bản thân tôi cảm thấy rất thú vị cho hành trình mới này.
 


Năm 2016, tôi vô cùng hạnh phúc khi trúng tuyển vào ngành Xã hội học của trường Đại học Bình Dương. Tôi trân quý những người thầy, người cô đã có duyên hỗ trợ và dạy bảo mình. Khi nhắc về những kỉ niệm đẹp tại mái trường Đại học Bình Dương, tôi vô cùng biết ơn quý thầy cô trong Khoa Xã hội học, đặc biệt là cô Trần Thị Kim Xuyến và thầy Nguyễn Tất Thành, bây giờ tôi vẫn còn ấn tượng hình bóng của quý thầy cô trước bục giảng tuy đã lớn tuổi rồi nhưng vẫn tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết. Tôi đặc biệt quan tâm môn Xã hội học quản lý và Xã hội học kinh tế do thầy Nguyễn Tất Thành đứng lớp. Trong tiết học thầy thường xuyên đặt vấn đề thảo luận thú vị. Ngoài được tiếp cận với một số lý thuyết quản lý trong Xã hội học, tôi nhớ thầy Thành thường nhấn mạnh đến tính hiện đại trong quản lý xã hội và quản lý doanh nghiệp, nghĩa là tính ứng dụng của nó rất cao, lúc đó bản thân tôi học chưa hiểu sâu. Thầy nhiệt tình giảng lại và cho từng ví dụ thực tiễn.
ThS. Nguyễn Tất Thành - Giảng viên Khoa Xã hội - Truyền thông. (giữa)
Thực lòng trong chia sẻ này tôi rất ngưỡng mộ thầy không chỉ vì thầy là một giảng viên, một nhà quản lý, một lãnh đạo đúng mực, một nhà điều hành doanh nghiệp mà thầy còn là một nhà giáo đầy tình thương, luôn giảng dạy hết mình vì sinh viên. Thực tế, thầy Thành luôn thấu hiểu những khó khăn của sinh viên, luôn truyền cảm hứng khơi gợi được những tiềm năng của học trò, bất kể họ là ai, xuất phát từ đâu. Tôi là một sinh viên người dân tộc thiểu số, tự bản thân tôi có nhiều mặc cảm về ngôn ngữ, tư duy và hoàn cảnh. Tôi không cảm thấy mình bị phân biệt hay so sánh khi học với thầy. Ngược lại, tôi được học hỏi từ thầy rất nhiều về tư duy cũng như các kỹ năng mềm. Tôi nhận ra rằng, thật quý biết bao ở môi trường giáo dục đại học khi có những người thầy, người cô đề cao sự chuẩn mực bình đẳng và tôn trọng. Thầy Nguyễn Tất Thành, giảng viên Xã hội học kinh tế, Xã hội học quản lý trường Đại học Bình Dương đã là một người thầy như thế đối với tôi. Vì thế, tôi rất trân trọng và biết ơn thầy.

Để khép lại những tâm tình chia sẻ này, tôi muốn gợi lại suy tư lúc ban đầu rằng sự khác biệt lớn của mỗi người chính là ở chữ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám thay đổi bản thân.

Tôi tin rằng, ai trong chúng ta cũng đều có một tiềm năng thú vị, đó là lý do hành trình khám phá mỗi ngày của mỗi người trở nên ý nghĩa hơn.
Chúc những ai hữu duyên đọc được dòng tâm sự này luôn tin rằng mình có một giá trị, một ước mơ và một hoài bão tốt đẹp để hướng tới.

Chia sẻ trong tâm tình biết ơn quý Thầy/Cô trong Khoa Xã hội học
Điểu Vượt, K19, Khoa Xã hội học, ĐH Bình Dương
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây