Chuyện tham vấn khi con gồng gánh ước mơ của cha mẹ

Thứ sáu - 26/07/2024 21:45
Với các bậc cha mẹ con cái luôn là niềm hy vọng vì đó là hoa trái của đời sống hôn nhân. Trong bối cảnh xã hội có những biểu hiện thái quá của những nhu cầu của tự do và thành công có phần lệch lạc. Bên cạnh đó, những kỳ vọng của cha mẹ có khi lại trở thành những áp lực vô hình lên mọi dự định, ước mơ của các con. Vì thế, không khó để bắt gặp những trường hợp các con phải gồng gánh chịu đựng để đáp ứng sự kỳ vọng của song thân với mình. Có khi những kỳ vọng ấy lại không được xét đến đặc thù, năng lực cá vị của chính các con.

Thực tế sự kỳ vọng diễn tả một ước vọng sâu xa của cha mẹ trên các con. Có thể bối cảnh của các bậc cha mẹ có những dự định đã không thể thực hiện trên chính mình đã vô tình được ấn định/ chuyển tiếp sang hành trình học tập và phát triển của các con mình. Từ đó, đã có những so sánh hữu ý hay vô tình đã gán ghép con mình trước hành trình/ thành tích/ chọn trường học/ chọn ngành theo học với các bạn đồng trang lứa. Sự đối sánh có thể chứa đựng những áp lực vô hình. Những câu chuyện từ phòng tham vấn chúng tôi không khó để bắt gặp trường hợp một thân chủ đang dường như bị trói buộc trong sự bối rối và dằn co giữa ước mơ của chính mình với việc phải làm “vui lòng” cha mẹ với trường học, ngành học. Hệ lụy của những dằn co có khi dẫn đến sự dằn xé nội tâm và đi đến những tổn thương tiêu cực đến mức các bạn giảm dần năng lực lựa chọn và tự quyết mọi vấn đề trong cuộc sống sau này.
Sự kỳ vọng có khi xuất phát từ chính sự bù trừ ước ao của cha mẹ với hy vọng các con sẽ vượt qua những giới hạn, vấp váp và thiệt thòi quá khứ nay được dồn lên các con vì tin rằng cuộc sống của con sẽ hạnh phúc hơn thời của cha mẹ. Tuy nhiên, không thể có một tiêu chuẩn chung cho hạnh phúc được đặt để cho tất cả mọi người là như nhau. Do đó, sự áp đặt thái quá của kỳ vọng của cha mẹ đã vô tình dẫn đưa các con rơi vào trạng thái bất định vì không thể minh định được năng lực của chính mình. Câu chuyện từ phòng tham vấn có khi đượm buồn khi nhận được những bộc bạch như “em không muốn đăng ký môn học nữa”, “em không biết mình học ngành này ra sẽ làm gì”, “đây là ngành học mà em không thích mà chỉ theo ba mẹ chọn”, thậm chí có những so sánh hết sức tiêu cực đã hạ thấp con mình trước chúng bạn như “sao con người ta đậu trường tốp, trưởng điểm,… còn ‘mày’ sao lại học lè tè thế này”. Tồn tại lâu dài trong tình trạng áp đặt của kỳ vọng, có bạn đã tự mặc định mình những cảm xúc tự ty, mặc cảm hoặc ảo tưởng về năng của chính mình. Thực tế trong giáo dục không thể có một định nghĩa “trường tốp” đúng nghĩa nhưng chỉ cần có “sinh viên tốp” trong chính trường học/ngành học của mình đang theo thì chính các bạn sẽ tỏa sáng hiện tại lẫn tương lai. Bên cạnh đó, quá trình đồng hành và hướng nghiệp trong suốt tiến trình học phổ thông cần xét lại có được tiến hành đúng phương pháp và phù hợp với đặc thù cá vị của từng bạn hay chưa  (Đừng bắt cá leo cây và bắt khỉ bơi dưới nước)[1]. Bởi có những chọn lựa mang tính bản lề cho cả một cuộc sống tương lai của một con người thì chủ thể cần được thể hiện hết năng lực quyết định phù hợp của chính mình. Những hệ lụy của việc áp đặt những kỳ vọng có khi dẫn đến những ‘sinh viên nhầm lớp, nhầm ngành’ cái nhầm tưởng chừng thoáng qua ấy lại trở nên hệ lụy khôn lường cho một năng lực văn hóa, năng lực nghề nghiệp cũng như hành trình sống với nghề nghiệp trong tương lai.
Ước mơ và kỳ vọng là một tất yếu của chúng ta. Nó diễn tả niềm khát khao của cha mẹ với thế hệ tương lai và đó cũng là biểu hiện của mong mỏi hạnh phúc của con mình. Tuy nhiên, chính ước mơ và kỳ vọng nếu không được đặt để một cách phù hợp đặc thù khả năng của các con sẽ vô tình trở nên cản lực, thậm chí dẫn đến những tổn thương lên chính hành trình học tập cũng như tự vấn/ phản tư của chính các con. Dù sao, con cái không thể chỉ xem là tài sản để sở hữu nhưng trên hết các con phải được đặt xét trên khía cạnh của một con người với các quyền cơ bản được thấu hiểu, được tự do trên hành trình lựa chọn nghề nghiệp cho chính mình. 

 
Nguyễn Dũng
 

[1] Akehachi Daiji, Nuôi dạy con kiểu Nhật Bản, NXB Phụ Nữ, 2013.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây