Tham vấn trị liệu trong bạo lực học đường ở học sinh tiểu học

Thứ ba - 06/08/2024 21:06
 
                                                                                                                                                        
Bạo lực học đường đang là vấn đề lưu tâm của xã hội hiện nay. Đã có những vụ án thương tâm xảy ra từ chính sự nông nỗi của học sinh nhưng cũng phản ánh phần nào cách giải quyết chưa thấu đáo của các bên liên quan. Bởi nó không chỉ gây ra hậu quả nhất thời mà còn có những tác động tổn thương về mặt sức khỏe tinh thần cho nạn nhân cách dai dẳng đến suốt cuộc đời tùy vào mức độ cũng như tính chất của các hành vi bạo lực gây ra.
 

Thực tế cho thấy, dường như sau mỗi vụ bạo lực học đường nói chung và xảy ra với học sinh tiểu học nói riêng đang được tiếp cận giải quyết mang tính đối phó nhiều hơn là tập trung biện giải cách căn cơ từ tận gốc rễ/ tâm khảm của nạn nhân lẫn người gây ra bảo lực. Có nhiều giới hạn về mặt khách quan cũng như pháp lý đã phần nào làm cho tiến trính tiếp cận các ca bị bạo lực lẫn kẻ gây ra bạo lực không thể diễn ra cách suôn sẻ. Một thực tế đâu đó vẫn còn quan niệm có phần “che đậy” theo phương châm “không nên vạch áo cho người xem lưng” về bối cảnh của trường học của mình ở các vị hữu trách. Bên cạnh đó những quy định về pháp lý với việc giám hộ cùng cơ sở hạ tầng tại các cơ sở cũng chưa thuận lợi lắm trong việc triển khai các tiến trình tham vấn trị liệu cho các cháu liên quan bị và gây ra hành vi bạo lực. Từ đó, những góc khuất sẽ mãi chỉ được tiếp cận mang tính chống chế nhiều hơn là can thiệp cách căn cơ từ góc sâu của tâm khảm nơi mỗi bé. Bởi những hành vi có tính bạo lực có thể không đến từ chủ thể của các bé nhưng đến từ những thúc bách của những hệ lụy từ những hình mẫu quá khứ từ trong gia đình, cộng đồng hoặc các kinh nghiệm từng “bị” bắt nạt đã thôi thúc các em có những hành xử từ ý thức đến vô thức với các bạn đồng trang lứa khi có những điều khác biệt hoặc không vừa ý với mình. 

Truy tầm những thành tố tác động từ chiều sâu lên hành vi của các bé thường có biểu hiện bạo lực với đồng bạn trên bình diện ngôn từ như nói tục, chửi bới, gắt gỏng đến những hành động quá khích cụ thể như xô đẩy, đánh bạn trên bình diện cá nhân hoặc hội đồng đều là những hệ lũy của “kinh nghiệm”/ tổn thương trong quá khứ mang lại. Việc xác định nguyên nhân của những biểu hiện bạo lực nơi các bé bằng tham vấn trị liệu chính là một cách thức giúp đồng hành và biện phân sâu xa những thúc bách của tâm tưởng mà chính các con chưa hẳn đã nhận ra, thậm chí cả người lớn chúng ta đôi lúc cũng chưa thể nhìn ra điều đó. Những thực thể của tham vấn viên khi được đồng hành với các em có biểu hiện cụ thể liên quan bạo lực học đường có khi đã quá trầm trọng đến nỗi tiến trình can thiệp phải diễn ra cách lâu dài và phức tạp. Do đó, việc để cho tham vấn viên có cơ hội tham gia vào quá trình xử lý các trường hợp bạo lực học đường ngay từ bước đầu luôn là một cách thức đem lại những hiệu quả giải quyết cách đồng bộ và căn cơ.  Việc tham vấn viên tham gia vào tiến trình can thiệp với các bé bị và cả gây ra bạo lực không phải nhất thiết thuộc vào một cơ chế pháp lý cụ thể. Tiến trình tham vấn trị liệu liên quan bạo lực nơi học sinh tiểu học cần được xem như một cách thức mang tính nhiệm ý sẽ giúp vấn đề được tiếp cận và thụ lý cách âm thầm với tính bảo mật luôn được đề cao[1]. Chính cách tiến hành này đã vô tình khích lệ phát triển và kiện toàn lòng tin nơi các con để có bất cứ diễn biến bất thường nào cũng sẽ được các con chia sẻ thật lòng mà không mang tính đối phó. Thực tế, tiến hành các ca tham vấn trị liệu liên quan đến học sinh tiểu học tại các trung tâm/ phòng tham vấn dường như dễ triển khai hơn tại các trường tiểu học hiện nay. Mặc dù, tất cả những gì liên quan đến yếu tố giám hộ đều được tuân thủ như nhau. Chúng tôi đã đôi lần đặt vấn đề với các cơ quan hữu trách liên quan nhưng đến nay vẫn chưa có cách thực hiện lưỡng toàn cho các bên liên quan. 

Trẻ con hôm nay thế giới ngày mai không chỉ là một câu diễn ngôn trên các băng rôn tuyên truyền mang tính gợi nhắc phong trào vào mỗi dịp nào đó được trưng dụng cách hình thức. Những biện pháp mang tính pháp lý với độ tuổi học sinh tiểu học là điều dường như khó thể áp dụng cách dễ dàng vì độ tuổi các em còn quá nhỏ để có thể viện dẫn cho những hành vi có khi chỉ là sự biểu hiện của hành vi bắt chước/ làm theo cách ứng xử của môi trường sống, gia đình, người thân,… như chửi tục, đánh nhau, … đang xảy ra thường xuyên ngay chính trong gia đình các con đang được dung dưỡng. Từ đó, các con rất dễ đem các hành vi ứng xử ấy đến lớp học, trường học để phóng chiếu lên bạn bè đồng trang lứa. Do đó, việc tham vấn viên được tham gia vào tiến trình tiếp cận và trị liệu cho các em ở độ tuổi tiểu học là một hướng thụ lý vừa mang tính khách quan vừa diễn tả sự thấu hiểu/ quan tâm cách trọn vẹn trước mọi hành vi của các con. Tiến trình ấy luôn được tiến hành bởi sự giám hộ của người thân của các con. Mặt khác, tiến trình trị liệu sẽ giúp các con giảm dần những biểu đạt mang tính xu hướng bạo lực dù chỉ là dưới dạng ngôn từ được kìm chế và khích lệ tâm trạng sống cùng với các tổn thương cách ý thức khi có một sự khác biệt hay xung đột xảy ra.
Nguyễn Dũng[2]
 

[1] Nguyễn Thị Oanh, Tư vấn Tâm lý học đường- quan trọng không phải mình có gì mà là mình là ai, NXB Trẻ, 2008.
[2]  Phòng Y tế & Tham vấn Tâm lý – Trường Đại học Bình Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây