Tham vấn trị liệu sau thiên tai, bão lũ

Thứ tư - 18/09/2024 08:49
Những ngày qua, chúng ta là người Việt Nam ai cũng mang trong lòng bao nỗi niềm xót xa trước những hậu quả thảm khốc của cơn bảo số 3 đã gây ra cho đồng bào miền Bắc nước ta. Cả đất nước đang chung tay, chung lòng chia sẻ mọi thứ có thể với mong muốn đồng bào nơi bão đã đi qua sẽ vơi chút gì đau thương và đứng lên tái thiết lại cuộc sống của chính mình. Những gói gém sẻ chia vật lực từ tài chánh đến mọi vật dụng có thể đều được đồng bào ta mọi nơi gửi về bà con vùng bão lũ với tất cả sự yêu thương đồng hành. Sau những biến cố thảm khốc của thiên tai, hạ tầng vật chất sẽ từ được tái thiết nhưng những tổn thương tinh thần thậm chí những sang chấn tâm lý có khi trầm trọng với những cá nhân hoặc nhóm cộng đồng nơi thiên tai đi qua dường như vẫn chưa được quan tâm đúng mức có thể. Trong những cảnh huống đau thương và mất mát đó, tham vấn trị liệu sẽ phát huy vai trò đồng hành chữa trị những tổn thương mà nạn nhân vùng thiên tai đối diện.

Trong bộn bề của hậu quả do bão lũ gây ra, con người nơi ấy cũng trăm mối ưu tư và tổn thương vây phủ. Những đồng hành về vật chất có thể sớm ổn định lại cuộc sống của bà con. Nhưng tiến trình đồng hành về mặt tâm lý sẽ là một tác động tạo động lực nội tại với những ai đã trải qua những mất mát to lớn như mất người thân, gia cảnh lâm cảnh túng cùng, các hoạt động mưu sinh bị ảnh hưởng,… dường như kiệt quệ thì đồng hành của tiến trình trị liệu sẽ rất cần thiết để ổn định tâm lý cũng như hồi phục những năng lượng tích cực cùng thúc đẩy bà con vừa qua nghịch cảnh của thiên tai, bão lũ cũng như khơi gợi được nguồn năng lượng nội tại bên trong mỗi người. Việc đồng hành của tham vấn tâm lý sẽ như một lực hút thúc đẩy và nối kết mọi nguồn lực và tương quan giúp nạn nhân sớm quân bình tâm trạng để đối diện, vượt qua và tái thiết lại từ ngoại cảnh đến tâm khảm nội giới của mỗi người.
 


Việc tiến hành tham vấn tâm lý ở những vùng bị ảnh hưởng của thiên tai bão lũ có thể tiến hành trên cả hai bình diện nhóm cộng động và cá nhân. Những vấn đề đương diện có thể từ những tổn thương do thiệt hại từ kinh tế, sức khỏe, giáo dục, sự mất mát của người thân đến cả những tương quan có khi từ những biểu hiện chưa phù hợp của quá trình phân phối nguồn lực cứu trợ từ nơi khác chuyển đến. Những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan sẽ được tham vấn viên cùng bà con tháo gỡ trên nguyên tắc của sự thấu cảm và tin tưởng sẽ giúp cho tiến trình vượt qua sang chấn của bà con gặp nạn sớm hơn để quay về với nhịp sống thường ngày. Có thể kinh nghiệm cho thấy việc có hỗ trợ tâm lý hay không thì cộng đồng nơi thiên tai đi qua cũng sẽ dần trở lại nhịp sống bình thường. Nhưng nếu có sự can thiệp của tham vấn tâm lý sẽ vừa thúc đẩy tiến trình hồi phục vừa bình diện khách quan lẫn nội tâm của cá nhân. Và đặc biệt hơn, việc đồng hành của tâm lý trị liệu sẽ góp phần dự phòng những sang chấn trong tương lai có thể xảy ra ở mức độ vô thức do những ảnh hưởng của hôm nay được “ấn định” trong tiềm thức từ bình diện cá nhân lẫn cộng đồng.

Không ai muốn nơi mình sinh sống xảy ra những cảnh huống bi thương mang tính bao trùm như thiên tai bão lũ đi qua. Nhưng không ai trong chúng ta có thể lựa chọn điều đó. Thế nhưng lựa chọn cách thức ứng phó và hồi phục sau mỗi biến cố đau thương lại luôn nằm trong quyền lựa chọn của chúng ta. Vì thế, việc để tham vấn trị liệu tham gia vào mỗi quá trình hỗ trợ cộng đồng sau bão lũ là một việc rất cần thiết. Điều này sẽ đem lại những hiệu quả lâu dài và sâu rộng trên bình diện từ cá nhân đến cộng đồng. Vì những tổn thương mà bão lũ gây ra luôn có tầm phủ rộng đến mọi lứa tuổi cũng như hầu hết các tầng giới (từ trẻ em đến người cao tuổi, từ học sinh đến giáo viên, tư nhà nông đến công chức,…. không trừ một ai) của cộng đồng nơi thiên tai đã đi qua.
Tham vấn trị liệu vốn dĩ không nằm ngoài mọi quy trình tổn thương của con người dù bình diện cá nhân hay cộng đồng/ tập thể[1]. Đặc biệt hơn với những cá nhân, cộng đồng/ tập thể nơi trải qua những tổn hại từ thiên tai/ bão lũ thì những tổn thương họ đối diện không chỉ là thiệt hại về vật chất, hạ tầng, công việc và sự mất mát của người thân mà bản thân những tổn thương/ sang chấn luôn bao hàm trong nó những hệ lụy tất yếu bao gồm cả tổn thương vật chất và tinh thần từ bình diện cá nhân lẫn cộng đồng nơi thảm họa thiên tai đi qua. Nhưng thực tế thì trong bối cảnh chúng ta thì hoạt động này dường như chưa được lưu tâm đúng mức từ bình diện vĩ mô đến vi mô.
 
Nguyễn Dũng
 

[1] UNICEF Việt Nam, 2005, Tài liệu tham vấn cơ bản dành cho cộng đồng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây