Thú vị chuyện ngày đầu đi làm thêm của sinh viên BDU

Thứ sáu - 14/05/2021 04:47

Có nhiều lý do để sinh viên tìm kiếm thêm một công việc làm thêm như: mong muốn có thêm một nguồn thu nhập, học thêm kinh nghiệm, mở rộng quan hệ xã hội, tăng cường khả năng giao tiếp… Tuy nhiên, dù lý do là gì thì cảm giác “thành tựu” khi được cầm trên tay số lương cuối tháng cũng mang đến nhiều cung bậc cảm xúc thú vị. Nhiều câu chuyện lần đầu đi làm “dở khóc, dở cười” cũng ít nhiều phần nào tôi luyện thêm kinh nghiệm sống, kiến thức xã hội bổ ích cho mỗi bạn trẻ.

thu vi chuyen sinh vien di lam them bdu2

Lê Thị Hoàng Đức (bên trái) hiện là sinh viên năm tư ngành Ngôn ngữ Anh

Không phải ai đi tìm việc và cũng có việc làm tốt, tuy nhiên có nhiều bạn thật may mắn vì đã tìm được công việc hợp với thời gian và có thu nhập ổn định. Trong những trường hợp ấy phải kể đến bạn Lê Thị Hoàng Đức - sinh viên năm tư ngành Ngôn ngữ Anh, lần đầu đi làm gia sư thông qua giới thiệu của bạn bè. Bản thân vốn có kiến thức và kinh nghiệm học tốt từ vững, ngữ pháp nên nghĩ rằng việc làm gia sư sẽ thuận lợi và phù hợp. Nào ngờ, ngày đầu gặp gỡ phụ huynh và các em nhỏ, bạn đã không khỏi lúng túng khi các em học sinh “sổ” hàng loạt câu tiếng Anh thông dụng nhằm kiểm tra năng lực.

thu vi chuyen sinh vien di lam them bdu1

Các em nhỏ tại lớp học ngoại ngữ do Hoàng Đức làm gia sư.

May mắn không nằm ngoài dự đoán, bạn cũng đã bình tĩnh tự tin trả lời trôi chảy được hết các câu thông dụng ấy và có được một công việc đúng như mong muốn. “Lúc đầu mình cũng bối rối lắm chứ, nhưng nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng nên vượt qua. Các em ấy phát âm chuẩn lắm làm mình ngỡ ngàng và áp lực sợ dạy không được, mãi sau này làm được hơn hai tuần, mình mới cho mình biết rằng các em ấy vừa được học một khóa học giao tiếp tiếng Anh nên rất tự tin”. Công việc gia sư cho Đức cảm thấy bản thân mình đã trưởng thành hơn rất nhiều. Không chỉ mang đến những trải nghiệm mới, công việc làm thêm còn giúp cho ước mơ trở thành giáo viên ngoại ngữ của Hoàng Đức được hiện thực hóa.

thu vi chuyen sinh vien di lam them bdu3

Bạn Trần Đăng Khoa – sinh viên lớp 21OT01 là nhân viên phục vụ  tại nhà hàng ở thành phố Thủ Dầu Một. 

Với bạn Trần Đăng Khoa – sinh viên lớp 21OT01 chọn cho mình công việc phục vụ nhà hàng vào cuối tuần. Gắn bó với công việc này được gần một năm nhưng mỗi khi nhắc về kỷ niệm ban đầu đi làm, bạn đã không giấu được sự mắc cỡ, có phần ngượng ngùng. Khoa cho biết: “Mình nhớ ngày đầu đi làm, toàn bộ nhân viên phải mang giày tây có mũi. Do mình khá hồi hộp, vội vàng và không quen đi giày có mũi nên đã bị vấp ngã trước mặt khách. Cú ngã ấy, khiến mình có phần ngượng ngùng và nhớ mãi. Giờ đây, mỗi khi nhìn lại đôi giày ấy mình đã biết trân trọng nó nhiều hơn”.

thu vi chuyen sinh vien di lam them bdu

Bạn H'Xoan- sinh viên năm ba ngành Xã hội học đang làm thêm tại một cửa hàng kinh doanh ăn uống. 

Sinh viên ở các tỉnh lẻ gia đình khó khăn, hầu hết các bạn đều phải vừa học vừa đi làm thêm để kiếm tiền để trang trải cuộc sống, thậm chí còn trợ giúp gia đình. Như bạn H’Xoan - sinh viên năm ba ngành Xã hội học tâm sự: “Xuất thân từ một gia đình khó khăn, đi học phải cố gắng đi làm gia sư để kiếm thêm được đồng nào đóng tiền học phí hay trả tiền phòng trọ, tiền mua thức ăn, chứ cái gì cũng đợi ở gia đình thì chẳng bao giờ đủ cả”. Nhờ siêng năng, chịu khó và biết được hoàn cảnh của bạn, nên mỗi tối sau khi dọn dẹp hàng quán, bạn rất hay được chủ gói cho một phần thức ăn mang về.

Mỗi bạn một câu chuyện và có cho mình một lý do riêng để tìm kiếm cơ hội “va chạm” với cuộc sống tự lập. Dẫu vì lý do gì đi chăng nữa, chính tinh thần ham học hỏi, chịu khó dấn thân vào cuộc sống để trải nghiệm đều đó thật đáng quý và đáng ngưỡng mộ.

Ban Biên tập

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây