Bước qua vòng lọc CV xin việc, phỏng vấn là vòng quan trọng, có tính chất quyết định cho việc bạn có được lựa chọn vào làm việc hay không. Nhiều bạn dù có thế mạnh về chuyên môn nhưng lại thất bại trong vòng phỏng vấn vì những lý do hết sức đơn giản. Những kỹ năng được Ban Biên tập tổng hợp từ chia sẻ của ThS. Nguyễn Thị Yến Liễu – Giảng viên bộ môn Quản trị Nguồn Nhân lực Trường Đại học Bình Dương sẽ mách bạn bí quyết “on top” chinh phục được các nhà tuyển dụng khó tính.
Thành công không đến với chúng ta một cách ngẫu nhiên. Bất cứ sự thành công nào cũng cũng cần đến một sự chuẩn bị thật chu đáo. Do đó, để có một buổi phỏng vấn thành công trước hết bạn cần:
- Sự chắn chắn về thời gian và địa điểm phỏng vấn để tránh đi lạc hay đến buổi phỏng vấn trễ hẹn.
- Nhớ chính xác về tên công ty và vị trí ứng tuyển. Điều tối kị khi tham gia phỏng vấn là gọi sai tên công ty hoặc nhầm vị trí phỏng vấn. Hãy tìm hiểu kỹ về công ty trước buổi phỏng vấn nhé.
- Trang phục nghiêm túc và được chuẩn bị cẩn thận chứng tỏ bạn là một người chuyên nghiệp và thể hiện sự tôn trọng với nhà tuyển dụng. Nam nên mặc áo sơ mi có màu sắc nhã nhặn cùng với quần tây sẫm màu. Nữ có thể mặc áo sơ mi cùng với quần tây hoặc chân váy, nên trang điểm tự nhiên cho khuôn mặt tươi tắn.
ThS. Yến Liễu cho biết: “Qua nhiều nghiên cứu tâm lý cho thấy rằng, chúng ta hoàn toàn có thể làm cho mình trông tự tin hơn ở một tình huống dù đang căng thẳng. Tất cả những gì bạn cần làm là nở nụ cười, nụ cười là một trong những cách tốt nhất để thể hiện thái độ chân thành, thân thiện và tự tin”.
Khi phỏng vấn, hãy để cơ thể được điều hòa ở trạng thái tự nhiên nhất bằng cách hít thở đều, ngồi thẳng lưng và vai, hai bàn tay hơi đan vào nhau và mắt nhìn thẳng khi được hỏi hoặc trả lời, vận dụng cử chỉ tay … Điều này sẽ giúp bạn thể hiện sự tự tin, tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng và thành công trong cuộc phỏng vấn
Hầu hết, buổi phỏng vấn bao giờ cũng mở đầu bằng câu “Bạn hãy tự giới thiệu đôi nét về bản thân?”, và nhớ bạn không nên chỉ chuẩn bị bài giới thiệu bằng tiếng Việt, bạn cần chuẩn bị bài giới thiệu bản thân bằng ngoại ngữ khác (tiếng Anh, Nhật, Hàn hoặc Hoa, …). Bởi vì hầu hết các vị trí ứng tuyển đều đòi hỏi về ngoại ngữ và nhà tuyển dụng sẽ phỏng vấn ngoại ngữ của bạn bất kỳ lúc nào.
Với câu hỏi này, bạn hãy nói tóm gọn các thông tin quan trọng của bản thân, kèm một vài thông tin có liên quan đến công việc ứng tuyển bạn quan tâm. Lưu ý tránh lập lại các thông tin đã có trong CV đã nộp, bởi lúc này họ đang muốn biết thêm các thông tin bạn đang quan tâm khác có liên quan.
Hãy tránh sử dụng một số từ thể hiện thái độ ngập ngừng như “à…”, “ừ…”, “ừm…”, “dạng như là…” “kiểu như là…” cũng như cách nói chuyện ậm ờ, không dứt khoát, vì đây sẽ trở thành điểm trừ của bạn trong mắt nhà tuyển dụng.
Ai cũng thích được người khác lắng nghe khi họ nói và nhà tuyển dụng cũng không ngoại lệ. Chiến thuật này giúp bạn trở thành bậc thầy trong đàm phán. Việc này giúp bạn trả lời có trọng tâm hơn, tránh trả lời hoang mang, dài dòng. Một người đã được bạn đồng thuận sẽ không thể nói không với bạn. Ngoài ra bạn cũng nên đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng, điều này giúp nhà tuyển dụng thấy được bạn thật sự quan tâm tới công việc này.
Trước khi gặp gỡ nhà tuyển dụng, hãy nghĩ ra các tình huống có thể xảy ra để bạn thể hiện khả năng xử lí tốt công việc của bản thân. Bên cạnh đó, bạn có thể trang bị một vài mẫu chuyện thực tế ngắn về điểm mạnh của bạn vì một cốt truyện với các tình huống, hành động và kết quả sẽ thu hút và dễ gây ấn tượng với người nghe hơn.
Ngoài ra, hãy nói về những đóng góp cá nhân của bạn cho các giải pháp xử lý vấn đề, đừng phóng đại nhưng cũng đừng quá khiêm tốn. Nếu gặp một vấn đề nào đó bạn chưa từng nghe qua, đừng vội trả lời “tôi không biết” hoặc “tôi không làm được” mà thay vào đó “tôi chưa tìm hiểu “ và “tôi sẽ tìm hiểu vấn đề này” để chứng tỏ bạn là người cầu tiến và ham học hỏi.
Ban Biên tập
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn