Nhìn về những điều mới mẻ và những người trẻ hôm nay

Thứ hai - 03/08/2020 23:27

Khi tôi còn trẻ đi học, môi trường giáo dục lúc đó còn cũ lắm, các phương pháp vẫn còn mang đậm nét truyền thống đọc và chép, mọi thứ không có gì mới mẻ và bứt phá, chắc những người lớn lúc đó cũng ngại bứt phá, bởi cái gì đi tiên phong đổi mới đều bị búa rìu ghê lắm, sự thay đổi là quá trình làm người ta mệt mỏi, vì vậy người ta chọn an nhàn và dễ dàng để làm. Tôi đã phải tự mày mò định hướng tương lai, mày mò tìm ra phương pháp học, tôi cũng phải tự tìm việc làm thêm để thu nhặt kinh nghiệm, thử nghiệm mình trong những môi trường khác nhau và cứ như thế tôi đi tìm phương pháp kiến thức riêng cho mình trên nền tảng các thầy cô trao cho tôi. Lúc đó tôi ước gì có thầy, cô nào có sự bứt phá và quan tâm đến tâm tư của sinh viên, tạo điều kiện để chúng tôi học, tự học và giúp chúng tôi kiến tập, thực tập theo khả năng hiểu biết của mình từ năm thứ nhất.

Tôi còn nhớ những năm đầu của thập kỷ 90 cả Việt Nam làm gì có khái niệm trường ngoài công lập, Trường Đại học Mở ra đời (Open University) người sáng lập phải gồng mình để hứng búa rìu dư luận, có những câu hỏi ngây ngô như thế này: "Vì sao Mở? Mở là gì...?". Mở là sự phá cách cho những kỳ thi theo đối tượng, Mở là để đưa sự học cho mọi người và vì mọi người, mọi người có quyền bình đẳng hưởng thụ nền giáo tiên tiến, có nghĩa vụ đóng góp cho giáo dục phát triển.

Mở là tìm ra những vấn đề xã hội cần để đào tạo cho phù hợp với tình hình xã hội, Mở để người học tự chủ hơn trong phương pháp học, thu thập thông tin, xử lý thông tin, sử dụng thông tin hữu hiệu trong quá trình tự học và quá trình rèn luyện. Mở để phương pháp cộng học phát huy một cách mạnh mẽ nhất, giúp cho thầy và trò cùng nghiên cứu, thúc đẩy sự sáng tạo phát triển tư duy của người học, từ đó Trường Đại học Mở từ giai đoạn 1990-1995 đã có những khoa đặc biệt mà không có trường đại học nào có: Đông Nam Á học, Phụ Nữ học, Quản trị kinh doanh... lúc đó sinh viên gần 45.000 người, đào tạo từ xa phát triển mạnh mẽ, ấy vậy mà đến năm 1995, Trường Đại học Mở bước sang bước ngoặc khác và dần dần biến thành đại học công lập, tự chủ về tài chính, quy trình ngộ thật.

Bây giờ khi người trẻ có đầy đủ khả năng về các thiết bị thông minh, mạng xã hội phát huy một cách mạnh mẽ, có đủ điều kiện học tập, quý thầy cô sẵn sàng bứt phá, đổi mới phương pháp, chủ động cho sinh viên đi kiến tập nhận thức bản thân về ngành nghề đang theo học, có chỗ thực tập nghiêm túc... thì sinh viên lại thụ động, lười nghiên cứu, lười suy nghĩ. Khi giảng viên áp dụng hình thức 5 người thầy thì tất cả những người trẻ hoang mang, phản ứng, họ quên rằng học là quá trình, học thì phải đào sâu suy nghĩ để hiểu, hiểu thì phải hiểu đúng, hiểu đúng thì thực hành, áp dụng vào cuộc sống mới đúng và mới tạo ra thành quả, học mà không đào sâu, không hiểu thì học làm gì? Những người trẻ lên giảng đường thụ động đến đáng sợ, nói chuyện riêng, mang thức ăn, uống vào phòng học, bày la liệt trên bàn, đấu láo chuyện trên mạng sôi nổi, bài giảng thì chép vớ vẩn... đã thế lại còn manh động, hùa theo số đông, mình học không ra gì nhưng lại thích phê phán những hình thức học, phương pháp học, đa số sinh viên bị sách động, có phản ứng tiêu cực là những sinh viên thích chơi hơn thích học, hiểu nông cạn và không chịu rèn luyện mình, hùa theo số đông để chờ ăn may qua môn học.

Sinh viên Khoa Kinh tế Nhà trường học tập và khởi nghiệp với vốn 0 đồng tại doanh nghiệp trong Dự án "Tập sự viên bán hàng" do Ban Lãnh đạo Khoa tổ chức

Quý thầy, quý cô phải lao tâm, khổ tứ để nỗ lực tìm ra giải pháp vừa học, vừa làm việc thực tế, từ chỗ thực tập cho đến chỗ thực hành... Để làm gì? để các em biết, hiểu về ngành nghề mình theo học, để các em có kinh nghiệm khi còn đang ngồi trên ghế Nhà trường, đó là điều kiện tiên quyết để các em ghi vào dòng kinh nghiệm làm việc trong hồ sơ dự tuyển vị trí làm việc sau này... nhưng để "đền đáp" lại thì những sinh viên thiếu ý thức đã bị sách động phản ứng một cách thụ động và tiêu cực, làm cho quý thầy, quý cô buồn lòng. Mà người trẻ non dạ, thiếu hiểu biết thì còn có thể tha thứ được, chứ người lớn, đã làm thầy làm cô, mà chỉ vì sự bất tài của mình, cạnh tranh không lành mạnh đã sách động sinh viên của trường khác làm rối loạn kỷ cương thì thật không đáng làm thầy.

Cùng một người thầy đào tạo ra nhưng tâm tính học trò thì lại khác nhau, đa số sinh viên tốt nghiệp đều thốt lên: Thầy ơi! giá như hồi đó em hiểu hơn, Thầy ơi! giá như cho em được quay lại thời gian đó... Họ tự hào vì đã theo học ở ngôi trường đã định hướng và kiến tạo tương lai cùng với họ, họ quay về để cùng ngôi trường mang tên Trường Đại học Bình Dương để cùng với các thầy cô chăm lo cho lớp sinh viên sau mình, rồi cũng có những người xấu hổ khi nói ra tên ngôi trường mình đã học, bởi họ có quá nhiều những sai lầm, những ký ức tội lỗi khi theo học ở đó, họ sợ nói ra người ta sẽ biết họ nợ môn quá nhiều và họ phải nhiều lần thi tới thi lui mới tốt nghiệp... mà cũng theo quy luật thôi, không có xấu làm sao biết cái gì là tốt, không có sinh viên yếu kém, lười nhác thì làm sao thấy được sinh viên tài năng.

Ông Seo Young Seong - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần S.I Casting Việt Nam đến phỏng vấn sinh viên năm 4 của Nhà trường cho các vị trí Công ty đang tuyển dụng

Những năm qua, sinh viên Trường Đại học Bình Dương đã khẳng định mình qua những cuộc tranh tài của tỉnh, khu vực và cấp quốc gia, sinh viên Trường Đại học Bình Dương đã được xướng danh trên đấu trường quốc tế, như vậy đủ khẳng định lớp sinh viên trẻ có rất nhiều người tài năng và muốn trui rèn mình theo phương pháp 5 người thầy và cộng học ở mọi lúc mọi nơi.

Sinh viên Trường Đại học Bình Dương học tập tại Nhật Bản

Các bạn sinh viên nghĩ như thế nào khi người sáng lập Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh ngày xưa, chính là Chủ tịch Hội đồng sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Bình Dương bây giờ? Các bạn có chấp nhận thử thách mình trong những phương pháp đột phá mới để trưởng thành không? Các bạn có tin tưởng người đã một đời vì một nền giáo dục mở, giáo dục hướng về người học, cho người học và vì người học mà các bạn vinh dự cùng tham gia để trở thành người học trò xứng đáng của thầy, các bạn có dám tự hào với các lớp đàn anh, đàn chị là học trò thầy từ Trường Đại học Mở và Trường Đại học Bình Dương? Các bạn có tự hào là sinh viên của trường đại học đầu tiên, duy nhất của tỉnh và được mang tên Bình Dương không, các bạn có dám dõng dạch nói: TÔI LÀ SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÌNH DƯƠNG?

Ông Trần Thanh Liêm - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thừa lệnh Chủ tịch Nước trao Huân chương Lao động hạng Nhì Trường Đại học Bình Dương

Bản lĩnh, dám đương đầu với thử thách, để trưởng thành và tự tay mình kiến tạo tương lại, chính là câu trả lời xứng đáng nhất của các bạn, tôi tin là các bạn sẽ làm được.

Chúc các bạn đạt được ước vọng và kiến tạo tương lai của mình một cách thông minh và tài năng nhất

Chào các bạn!

Thầy Cao Việt Hưng – Bí thử Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây