Học tập là một quá trình diễn ra trong thời gian dài từ nhiều đối tượng khác nhau. Chúng ta có thể học từ ông bà, cha mẹ, thầy cô, sách vở…Bên cạnh vai trò quan trọng của người thầy trong hành trình chinh phục những đỉnh cao tri thức thì chúng ta vẫn có thể học hỏi từ bạn bè. Điều này đã được người dân đúc kết trong câu nói: “Học thầy không tày học bạn”.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, quốc tế hóa, mọi người cần phải tạo ra nhiều mối quan hệ bạn bè, có thể là bạn học, bạn đồng nghiệp, bạn làm ăn, bạn cùng sở thích... và hàng loạt những mối quan hệ bạn bè khác nữa. Đối với sinh viên học du lịch, ngoài việc học tập từ thầy cô, sách vở… thì việc học từ bạn bè cũng rất là quan trọng, bắt buộc sinh viên phải thực hiện.
Trong ngành du lịch, đặc biệt là muốn trở thành một hướng dẫn viên du lịch thì khối lượng kiến thức mà sinh viên cần phải trang bị là rất lớn, liên quan tới nhiều phạm trù, nhiều lĩnh vực như: văn hóa, địa lý, lịch sử, tín ngưỡng, tôn giáo, danh lam thắng cảnh, nhà hàng, khách sạn… ở khắp mọi nơi, mọi vùng miền trong và ngoài nước. Do đó, với thời lượng học tập trên lớp và khối lượng kiến thức mà giảng viên truyền đạt thì chắc chắn là chưa đủ. Chính vì vậy, sinh viên phải biết tự thân vận động, tự học tập lẫn nhau và bạn bè là một nhân tố quan trọng không thể thiếu trong suốt chặng đường học vấn của sinh viên.
Sinh viên ngành Việt Nam học (du lịch) thực tập tổ chức chương trình Teambuilding
Tại Trường Đại học Bình Dương, đa phần các bạn sinh viên đến từ khắp mọi miền của đất nước; gạt đi những khác biệt về văn hóa vùng miền cũng như những khó khăn về khoảng cách địa lý, tất cả đều cùng nhau hòa vào “mái nhà chung BDU”. Mỗi bạn sinh viên du lịch đều được xem là một local guide (hướng dẫn viên địa phương) của quê hương mình. Vì tại chính nơi đó các bạn được sinh ra, lớn lên và gắn bó suốt quãng thời thơ ấu cho nên những kiến thức về văn hóa du lịch, đường xá, tour tuyến tham quan… tại địa phương thì không có thầy cô, sách vở nào có thể giỏi hơn chính người bạn thân của mình được. Cho nên sinh viên du lịch phải biết tự học tập lẫn nhau, học từ chính những người bạn thân của mình, đó là những kiến thức thực tế thực tiễn quý giá về du lịch mà mình có được từ bạn bè.
Ngoài kiến thức chuyên môn về du lịch, sinh viên còn có thể học tập lẫn nhau về kỹ năng sống, nghiệp vụ, khả năng giao tiếp. Trong bối cảnh xã hội khi mà ai cũng phải tiến bộ phát triển thì việc học từ bạn bè là rất quan trọng. Đặc biệt, do không có khoảng cách về thế hệ nên từ bạn bè ta có thể trau dồi những kỹ năng giao tiếp, kinh nghiệm sống,…
Sinh viên ngành Việt Nam học (du lịch) của Trường Đại học Bình Dương tham quan thực tập tại TP.HCM
Tuy nhiên, bạn bè là một mối quan hệ có sự bình đẳng tôn trọng theo hai chiều. Vì thế để có tình bạn tốt, bạn phải biết cách xây dựng cũng như gìn giữ mối quan hệ đó. Sự giúp đỡ chân thành sẽ gắn bó tình bạn thật sự. Điều quan trọng là bạn biết ghi nhận sự giúp đỡ chân thành và sẵn sàng đáp lại khi có dịp. Bạn bè sẽ giúp đỡ nhau qua những lời khuyên để cùng nhau tiến bộ. Một người bạn tốt sẽ đưa ra những lời khuyên thật lòng, mong muốn bạn mình tốt đẹp. Dĩ nhiên, khi nhận được những lời khuyên bạn phải thể hiện sự lắng nghe, và sau đó là học cách để thay đổi.
Và cuối cùng, để có một tình bạn đẹp trong suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, đừng tính toán hơn thua trong mối quan hệ bạn bè, bởi bạn bè không đo lường được bằng tiền bạc hay vật chất.
Du Quốc Đạo – Giảng viên Khoa Kinh tế
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn