Trường Đại học Bình Dương với công tác Bảo đảm chất lượng

Thứ năm - 26/12/2024 22:56

              Bảo đảm chất lượng trong giáo dục đại học đã phát triển từ rất lâu và rất thịnh hành trong hệ thống giáo dục đại học của các nước tiên tiến trên thế giới. Tại Việt Nam, hoạt động bảo đảm chất lượng buộc phải vận hành theo xu thế tất yếu toàn cầu, đi kèm với đó là sự ra đời của các tổ chức, đơn vị bảo đảm chất lượng và các công cụ hỗ trợ hoạt động. Đối với Trường Đại học Bình Dương, hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong (Intemal Quality Assurance) cùng với các hoạt động chuyên môn và các kết quả đánh giá của hệ thống bảo đảm chất lượng bên ngoài (Extemal Quality Assurance) là xương sống để đảm bảo cho việc không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục; là cơ sở để Nhà trường giải trình với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội về thực trạng chất lượng đào tạo giúp người học có thông tin cần thiết để lựa chọn cơ sở giáo dục đại học, chương trình đào tạo và nhà tuyển dụng lao động tuyển chọn nhân lực cho đơn vị của mình.

            Thực chất, bảo đảm chất lượng là các quy trình quản lý và đánh giá một cách có hệ thống nhằm giám sát hoạt động của bảo đảm chất lượng đầu ra và cải tiến chất lượng các chương trình đào tạo. Theo định nghĩa của tổ chức SEAMEO, “bảo đảm chất lượng giáo dục là những quan điểm, chủ trương, chính sách, mục tiêu, hành động, công cụ, quy trình, thủ tục mà thông qua sự hiện diện và sử dụng chúng có thể bảo đảm rằng sứ mạng và mục tiêu giáo dục được thực hiện, các chuẩn mực đang được duy trì và nâng cao”. Bảo đảm chất lượng sẽ giám sát và đánh giá toàn bộ hệ thống giáo dục của Trường Đại học Bình Dương một cách khoa học, có hệ thống; đây là cơ sở để Hiệu trưởng có các giải pháp nhằm đảm bảo các hoạt động của Nhà trường tuân thủ theo quy định của pháp luật và giải trình với xã hội; ngoài việc đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu theo đúng Luật Giáo dục đại học còn phải đáp ứng mục tiêu phát triển của Nhà trường.

           Trong giáo dục, các hoạt động đều có mối quan hệ chặt chẽ với nhau tạo thành một vòng tròn khép kín (PCDA), đầu ra của hoạt động trước là đầu vào của hoạt động sau. Vì thế, hoạt động giáo dục trước có chất lượng là điều kiện cần cho hoạt động giáo dục sau có chất lượng dẫn đến đầu ra cũng có chất lượng như mong muốn; chỉ một khâu không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng đến cả quá trình đào tạo. Trường đã xác định công tác đảm bảo chất lượng bên trong thông qua hoạt động tự đánh giá là nhân tố quan trọng nhất, chủ động tạo nên chất lượng; còn đảm bảo chất lượng bên ngoài do tổ chức kiểm định chất lượng độc lập thực hiện là cơ sở pháp lý để công khai với người học, với xã hội về chất lượng giáo dục của Trường.

           Căn cứ Luật Giáo dục đại học, Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Bình Dương và các quy định hiện hành, Phòng Bảo đảm chất lượng và Khảo thí (Phòng) của Trường được thành lập theo Quyết định số 465/QĐ-ĐHBD ngày 24 tháng 5 năm 2022. Phòng có chức năng tham mưu, giúp việc cho Hiệu trưởng các công tác tổ chức công tác đảm bảo chất lượng, kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục đào tạo; tổ chức thực hiện các hoạt động liên quan đến công tác đảm bảo chất lượng giáo dục đào tạo theo quy định. Song song đó, Phòng Bảo đảm chất lượng và Khảo thí còn thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như sau:
Trước tiên, Phòng – Xây dựng và thực hiện mục tiêu, chính sách, kế hoạch đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng của Trường. Phòng có trách nhiệm làm đầu mối xây dựng cơ sở dữ liệu và đảm bảo chất lượng tại cơ sở; phối hợp với các phòng chức năng tổ chức thực hiện, hướng dẫn kiểm tra công tác đảm bảo chất lượng tại các đơn vị trong Trường; tư vấn Ban Giám hiệu về việc nâng cao điều kiện đảm bảo chất lượng.
           Phòng Bảo đảm chất lượng và Khảo thí còn là đơn vị tư vấn, hỗ trợ và theo dõi các đơn vị trong Trường thực hiện báo cáo tự đánh giá, đăng ký hoặc tổ chức triển khai các hoạt động kiểm định chất lượng và đánh giá chất lượng đồng cấp; giám sát và kiến nghị các đơn vị liên quan thực hiện duy trì, phát triển điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.
          Ngoài ra, Phòng còn có trách nhiệm cụ thể hóa các văn bản, quy chế về công tác khảo thí, kiểm định chất lượng đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển của Nhà trường; xây dựng quy trình, lập kế hoạch trình Hiệu trưởng quyết định và tổ chức thực hiện các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đào tạo; phối hợp với các đơn vị chức năng trong Trường thực hiện công tác kiểm định chất lượng định kỳ theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đánh giá mức độ và hiệu quả chất lượng đào tạo các cấp với các đơn vị chức năng có liên quan.
          Để bảo đảm công tác đảm bảo chất lượng của Trường được diễn ra xuyên suốt và hiệu quả cao, Phòng Bảo đảm chất lượng và Khảo thí của Trường Đại học Bình Dương đã đề ra một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác đảm bảo chất lượng, đó là:
          - Xây dựng và tuyên truyền sứ mạng, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của Nhà trường thông qua các hoạt động cụ thể: Xây dựng sứ mạng, tầm nhìn, giá trị cốt lõi phù hợp với điều kiện và xu thế phát triển của Nhà trường tạo nên giá trị và tạo nên sự khác biệt; Chỉ đạo tuyên truyền sứ mạng, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của nhà trường tới toàn thể cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường; Chỉ đạo tuyên truyền rộng rãi sứ mạng, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của nhà trường tới các bên liên quan, tạo động lực, sự đồng thuận trong quá trình thực hiện giáo dục theo hướng đảm bảo chất lượng theo xu thế phát triển giáo dục, xu thế nhu cầu của xã hội và bối cảnh hội nhập quốc tế.
        - Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về công tác đảm bảo chất lượng cho cán bộ quản lý, cán bộ, giảng viên trong Nhà trường. Làm cho mọi người hiểu đúng và đầy đủ về công tác đảm bảo chất lượng. Đây là trách nhiệm chung của Trường, có sự đóng góp của mọi người. Đảm bảo chất lượng là làm đúng ở mọi khâu trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục.
         - Quản lý quá trình đào tạo bằng hoạt động xây dựng quy chế, quy định, triển khai chương trình kế hoạch đào tạo của nhà trường trên cơ sở quy chế, quy định; cập nhật chương trình đào tạo, kiểm tra đánh giá theo mục tiêu chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
        - Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng bằng cách xây dựng quy định về nghiên cứu khoa học, gắn nhiệm vụ nghiên cứu khoa học với nhiệm vụ của giảng viên; quy định định mức và các chế độ, chính sách có liên quan đến nghiên cứu khoa học. Mặt khác, thành lập các tổ chức đoàn thể trong Nhà trường; xây dựng kế hoạch hành động của các tổ chức đoàn thể theo từng tháng, từng năm cho công tác phục vụ cộng đồng.
       - Tổ chức tự đánh giá, điều tra thông tin phản hồi nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục từ các hoạt động triển khai tổ chức tự đánh giá, mô tả, làm rõ thực trạng Nhà trường theo định kỳ; song song đó, cần phân tích, so sánh, đối chiếu dữ liệu/thông tin liên quan của các năm liền kề để đưa ra những nhận định, chỉ ra điểm mạnh, điểm tồn tại và những biện pháp khắc phục.
       - Thu thập, xử lý thông tin của sinh viên, học viên đã tốt nghiệp để xem xét những vấn đề cần điều chỉnh trong quá trình đào tạo; thu thập, xử lý thông tin từ các đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động để khảo sát mức độ đáp ứng nhu cầu của xã hội đối với chuẩn đầu ra trong chương trình đào tạo. Tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch cải tiến, các biện pháp quản lý nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục của Trường Đại học Bình Dương.

       Tóm lại, bảo đảm chất lượng giáo dục của Trường chính là hệ thống các văn bản quy định, chính sách, giải pháp, các hoạt động có kế hoạch được tiến hành trong và ngoài Trường được minh chứng để tạo ra sự tin tưởng, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chất lượng giáo dục theo mục tiêu, sứ mạng, tầm nhìn và chuẩn đầu ra chương trình đào tạo./.
                                                                                    Nguồn: Đàn Oanh –Phương Hằng
Tài liệu tham khảo
[1] Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) 
[2] Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14). 
[3] Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/05/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học. 
[4] Báo cáo tự đánh giá giai đoạn 2018-2023 của Trường Đại học Bình Dương 
[5] Quyết định 465/QĐ-ĐHBD ngày 24/05/2022 thành lập Phòng Bảo đảm chất lượng và Khảo thí thuộc Trường Đại học Bình Dương.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây