Như các cơ sở giáo dục đại học khác, Trường Đại học Bình Dương gắn liền công tác khảo thí với công tác đảm bảo chất lượng trong cơ sở giáo dục đại học; ngoài việc đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu theo đúng Luật Giáo dục đại học còn phải đáp ứng mục tiêu phát triển của Nhà trường. Khảo thí (Testing) được hiểu là kiểm tra, đánh giá chất lượng và kết quả học tập của người học. Hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học đã phản ánh trung thực trình độ kiến thức, kỹ năng, năng lực và cả về thái độ, ý thức của người học trong suốt quá trình học tập tại trường. Có thể nói, công tác khảo thí đóng một vai trò hết sức quan trọng trong giáo dục, đây là thước đo để đánh giá chất lượng người học.
Căn cứ Luật Giáo dục đại học, Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Bình Dương và các quy định hiện hành, bộ phận khảo thí trực thuộc Phòng Bảo đảm chất lượng và Khảo thí của Trường được thành lập với chức năng thực hiện các chiến lược, mục tiêu và chính sách về hoạt động khảo thí của Trường với các nhiệm vụ cụ thể như sau:
Trước tiên, bộ phận khảo thí có nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Hiệu trưởng tổ chức triển khai, quản lý công tác thi và đánh giá kết quả học tập của người học; tổ chức thực hiện các hoạt động liên quan đến công tác khảo thí theo quy định nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo.
Tiếp theo đó, bộ phận khảo thí của Trường Đại học Bình Dương phối hợp với Phòng Đào tạo và Công tác sinh viên, các đơn vị khác để thực hiện nhiệm vụ: 1) Xây dựng, ban hành, cập nhật các quy định, quy chế, quy trình liên quan đến công tác khảo thí; 2) Xây dựng và quản lý hệ thống ngân hàng đề thi; đánh giá hiệu quả công tác khảo thí; 3) Hướng dẫn các đơn vị liên quan triển khai thực hiện nhiệm vụ khảo thí theo quy định và kế hoạch chung của Nhà trường; 4) Xây dựng và triển khai các chương trình, dự án hợp tác trong nước và quốc tế trong lĩnh vực khảo thí.
Mặt khác, bộ phận khảo thí còn đưa ra khuyến nghị với Phòng Đào tạo và Công tác sinh viên đổi mới công tác thi, kiểm tra; theo dõi và kiểm tra việc thực hiện các văn bản về công tác khảo thí sau khi được ban hành. Song song đó, bộ phận khảo thí cần dành thời gian để nghiên cứu xây dựng phát triển các phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp, khoa học có độ giá trị cao, mang tính định lượng chuẩn xác; phân tích đánh giá chất lượng đào tạo trên dữ liệu khảo thí và xây dựng kế hoạch khảo thí đối với tất cả các hoạt động đào tạo trong Trường Đại học Bình Dương.
Ngoài ra, bộ phận khảo thí của Trường Đại học Bình Dương có nhiệm vụ cụ thể hóa các văn bản, quy chế về công tác khảo thí phù hợp với yêu cầu phát triển của Nhà trường; tổ chức hoạt động khảo khí, giám sát, kiểm tra việc chấp hành quy chế dạy và học, các quy chế về tổ chức đào tạo; giám sát, kiểm tra học đường, môi trường sư phạm, an ninh học đường và cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện dạy học; tổ chức quản lý việc chọn đề, in ấn, nhân bản đề thi (đối với đề thi học phần), giám sát quy trình ra đề (nếu không sử dụng đề chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo) in sao đề thi (đối với thi tuyển sinh); kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi tuyển sinh; từ khâu tiếp nhận hồ sơ, thi, làm phách, chấm thi, lên điểm, đến việc xét tuyển đối với thi tuyển sinh.
Song song đó, bộ phận khảo thí phải thực hiện công tác tổng hợp về các lĩnh vực được phân công; thống kê, báo cáo kịp thời theo yêu cầu của cấp trên và của Trường; quản lý và sử dụng có hiệu quả lao động, cơ sơ vật chất và các phương tiện thiết bị được Nhà trường giao phó.
Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác khảo thí tại Trường Đại học Bình Dương
Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ thông qua việc đề cử, giới thiệu nhân sự tham gia các lớp tập huấn và tổ chức tập huấn cho giảng viên về công tác khảo thí; nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, tư tưởng đạo đức, lối sống; khả năng sử dụng công nghệ mới trong giáo dục và quản lý giáo dục cho cán bộ quản lý, nhân viên.
Tiến hành xây dựng quy chế, quy định, triển khai chương trình kế hoạch đào tạo của Nhà trường trên cơ sở quy chế, quy định; tổ chức quản lý việc xây dựng kế hoạch học tập của sinh viên, học viên theo kế hoạch học tập toàn khóa; cập nhật chương trình đào tạo, kiểm tra đánh giá theo mục tiêu chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo./.
Nguồn: Khâm Trường Trinh
Tài liệu tham khảo
[1] Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14).
[2] Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14).
[3] Báo cáo tự đánh giá giai đoạn 2018 – 2023 của Trường Đại học Bình Dương.
[4] Quyết định 465/QĐ-ĐHBD ngày 24/05/2022 về việc thành lập Phòng Bảo đảm chất lượng và Khảo thí thuộc Trường Đại học Bình Dương.