Bạn là người năng động, bạn đã từng được tư vấn nên học ngành Xã hội học nhưng vẫn còn phân vân không biết học ngành này có phù hợp với mình hay không? Học xong, ra trường làm việc gì? Chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn.
- Những dấu hiệu cho thấy bạn phù hợp với Xã hội học
Xã hội học là ngành khoa học nghiên cứu về xã hội. Do đó, nó phù hợp với những người quan tâm tới các sự kiện xã hội, hiện tượng xã hội. Người có thiên hướng Xã hội học có niềm đam mê nghiên cứu xã hội, thích vận dụng các công cụ, kỹ năng, phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội để phân tích, đánh giá các sự kiện, các vấn đề xã hội. Xã hội học hiện đại mang tính ứng dụng cao đối với các lĩnh vực phát triển xã hội, hỗ trợ con người trong các hoạt động xã hội và quản lý xã hội. Chính vì vậy, nếu bạn là người thích làm việc với các nhóm người khác nhau trong cộng đồng, trong hệ thống hành chính công, làm công tác truyền thông hay các tổ chức phi chính phủ v.v…Xã hội học chính là ngành phù hợp với bạn.
Ngành Xã hội học thích hợp với những người muốn nhận thức đúng về bản chất xã hội và mong muốn đóng góp sức mình làm thay đổi xã hội ngày một tốt hơn nhằm nâng cao chất lượng sống của con người. Nếu bạn là người có những đặc điểm dưới đây, hãy tự tin đăng ký học ngành Xã hội học:
- Thích tìm hiểu các sự kiện xã hội, hiện tượng xã hội và các quy luật trong đời sống xã hội;
- Muốn có phương pháp tư duy, độc lập, sáng tạo;
- Thích học các môn khoa học xã hội, thích tìm hiểu kiến thức xã hội;
- Thích làm việc với con người chứ không phải với máy móc,...
Vì sao bạn nên học Xã hội học?
Khi học Xã hội học, bạn không chỉ có cơ hội sở hữu những kiến thức, kỹ năng để sẵn sàng làm việc trong các cơ sở nghiên cứu và đào tạo, nó còn mang lại một nền tảng kiến thức khoa học xã hội và nhân văn cho các công việc ở các doanh nghiệp, cơ quan công quyền, hiệp hội, tổ chức cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ, cơ quan hành pháp và các cơ quan nhà nước khác. Những kiến thức Xã hội học sau khi học xong, cũng giúp cho người học thành thục về công tác truyền thông trực tiếp hay thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, kỹ năng giao tiếp, giải quyết khó khăn và tư duy hiệu quả. Điều mà các ngành khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên, khó có thể có được.
- Ngành Xã hội họccó mục tiêu chung là đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức rộng về các lĩnh vực của đời sống xã hội, giúp người học có các kỹ năng phân tích sự kiện, hiện tượng xã hội, hành vi con người, có năng lực tư vấn và đóng góp cho việc xây dựng các chính sách xã hội,… nhằm đáp ứng các nhu cầu phát triển của đất nước.
- Sinh viên tốt nghiệp Cử nhân ngành Xã hội học sẽ có kiến thức lý thuyết chuyên sâu về Xã hội học; nắm vững kỹ thuật, phương pháp nghiên cứu và có kiến thức thực tế để có thể giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn cuộc sống.
- Nhằm tạo điều kiện cho sinh viên khi ra trường dễ dàng tìm kiếm được việc làm, bên cạnh những kiến thức về khoa học xã hội và nhân văn, Xã hội học ứng dụng còn cung cấp cho sinh viên các kiến thức và kỹ năng chuyên ngành về các lĩnh vực quản lý, truyền thông, tư vấn,… cũng như những kỹ năng mềm cần thiết cho nguồn nhân lực.
- Với đặc thù là ngành học khoa học liên quan đến con người và xã hội, chính vì vậy sinh viên theo học ngành Xã hội học sẽ thường xuyên được tham gia các hoạt động thực tập thực tế, hoạt động xã hội do Trường, Khoa hoặc các Câu lạc bộ tổ chức.
- Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn, có kiến thức quản lý, điều hành xã hội tốt hơn.
Triển vọng nghề nghiệp của người học Xã hội học
Ngành Xã hội học là một ngành học có nhiều triển vọng nghề nghiệp trong tương lai với vị trí việc làm đa dạng. Sinh viên theo học ngành Xã hội học khi ra trường có đủ năng lực chuyên môn để đảm nhận nhiều vị trí công việc khác nhau thuộc các lĩnh vực như:
- Truyền thông: Biên tập viên, phóng viên; Quảng cáo; Tổ chức sự kiện,...
- Quản trị, điều hành, quản lý: Quản lý xã hội; Điều hành các tổ chức dân sự; Quản trị các dự án đầu tư xã hội; Quản trị hành chính - nhân sự; Quan hệ khách hàng; Quản lý khách hàng,…
- Công tác xã hội và phát triển cộng đồng: Nhân viên công tác xã hội; cộng tác viên phát triển cộng đồng; tư vấn viên trong bệnh viện, trường học,…
- Nghiên cứu, chuyên viên tư vấn: Nghiên cứu Xã hội học về các lĩnh vực trong đời sống xã hội; Nghiên cứu chính sách, tư vấn chính sách nhằm phát triển bền vững xã hội; đánh giá tác động xã hội của các dự án; Nghiên cứu các lĩnh vực của thị trường; Nghiên cứu và tư vấn truyền thông, quảng cáo, báo chí, dư luận xã hội,…
- Dịch vụ và phục vụ con người: Làm điều phối viên, chuyên viên cho các Quỹ phát triển, hoạt động tài trợ của nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức từ thiện; Tổ chức và điều phối các công tác liên quan đến việc phát triển xã hội, phát triển cộng đồng,...
- Lĩnh vực chính trị, hành chính: Người học Xã hội học có tầm nhìn xã hội bao quát, có tư duy lãnh đạo sâu sắc mà gần gũi, luôn lấy mục tiêu phát triển con người, phát triển xã hội làm trung tâm nên thường thành công trong lĩnh vực Chính trị và quản lý Nhà nước, quản lý xã hội,… Người học Xã hội học có thể làm rất tốt các công việc của chuyên viên trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, như: Văn hóa, lao động, dân số, giáo dục, y tế, thống kê, dân tộc, dân vận, tuyên giáo, truyền thông,…
- Giảng dạy: Giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp; tập huấn các khóa ngắn hạn cho các cơ quan, tổ chức, cộng đồng,…
Tại trường Đại học Bình Dương, bạn có thể học:
- Cử nhân Xã hội học
- Các lớp đào tạo ngắn hạn, như:
- Phương pháp nghiên cứu Xã hội học
- Nghiệp vụ báo chí, truyền thông
- Kỹ thuật quay phim chuyên nghiệp
Ban biên tập