Trong đợt tham gia đi tư vấn tuyển sinh của Trường Đại học Bình Dương trên địa bàn tỉnh Bình Phước, tôi có dịp gặp lại những người đã từng cộng tác, làm việc với tôi trong thời gian tôi còn làm việc ở Bình Phước. Họ là những người làm việc trong các cơ quan, công sở Nhà nước như: cơ quan văn hóa, văn phòng UBND các xã, phường, thị trấn, các trường học. Khi được hỏi về ngành và Trường Đại học mà họ đã học trước đây, tôi được biết nhiều người là sinh viên của Trường Đại học Bình Dương. Khó có thể diễn tả được cảm giác của chúng tôi khi được gặp lại các em, thấy được sự thành công của các em trong các cương vị công tác sau khi ra trường.
Tôi gặp bạn Hồ Thị Quốc Loan, sinh viên khoa Luật. Em có dáng người nhỏ nhắn, dù chưa đến 40 tuổi nhưng đã đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Điền (huyện Lộc Ninh). Với vị trí công tác đó, ngoài kiến thức chuyên môn, đòi hỏi em phải có nhiều kỹ năng để giải quyết tốt các công việc được giao. Với kiến thức chuyên ngành Luật và bản lĩnh đã được học tập và rèn luyện ở Trường Đại học Bình Dương, cô đã thực hiện tốt các công việc, xử lý các tình huống cho dân có một cách thấu tình, đạt lý, được nhân dân đánh giá cao. Một trường hợp khác cũng rất đáng chú ý là bạn Nhâm – sinh viên khoa Xã hội học – Truyền thông, hiện là Bí thư Đoàn thanh niên xã Long Tân huyện Phú Riềng. Đây là xã vùng sâu của huyện, kinh tế còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự năng động, hiểu biết sâu về lĩnh vực xã hội, cộng với lòng đam mê công việc, Nhâm đã vận dụng và triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Nội dung hoạt động gắn với lợi ích thiết thực của người dân, vừa góp phần bảo tồn văn hóa của người Xtiêng ở địa phương, trong đó đáng chú ý là phát huy nghề dệt thổ cẩm. Một người không thể không kể đến là Vũ Ba – sinh viên khoa Xã hội học – Truyền thông khóa 11 (2008-2012), quê ở huyện Bù Đốp. Với sự năng động của mình, em đã trở thành một doanh nhân lĩnh vực bất động sản ở Bình Dương. Ngoài ra, ở Bình Phước còn có nhiều bạn là sinh viên của Trường Đại học Bình Dương, đang làm việc ở các cơ quan của trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Chẳng hạn như: Nguyễn Xuân Cảnh – nhân viên Bảo tàng tỉnh Bình Phước, rất năng động trong công việc chuyên môn; hay cô Hoàng Thị Như – Phó Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Quang Minh thị xã Chơn Thành, bạn Hương ở văn phòng Đảng ủy xã Tiến Hưng, bạn Bình ở UBMTTQ huyện Đồng Phú,... Có thể còn nhiều bạn nữa cũng thành đạt mà tôi chưa có dịp được gặp.
Em Hồ Thị Quốc Loan – cựu sinh viên Trường Đại học Bình Dương, hiện là PCT UBND xã Lộc Điền, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước và tác giả
Một điểm chung ở các bạn tôi được gặp là dù ở vị trí công việc nào, giữ chức vụ hay không, các bạn đều làm rất tốt công việc được giao, được cơ quan và cộng đồng tín nhiệm. Thật sự, khó có niềm vui nào bằng việc gặp được sinh viên của Trường – nơi đã đào tạo họ gặt hái được thành công sau khi ra trường. Những đóng góp của họ không chỉ có ý nghĩa với địa phương, với cơ quan đơn vị nơi họ công tác mà còn là niềm vinh dự rất lớn của cơ sở đào tạo, của những người làm công tác đào tạo khi có những người thành công trên đường đời. Sự thành công đó là niềm động viên lớn của Trường trong công tác đào tạo, chứng minh sự đúng đắn trong tôn chỉ, mục đích và phương pháp đào tạo của Nhà Trường. Không chỉ thành đạt sau khi ra trường, các sinh viên còn thường xuyên tổ chức các hoạt động hướng về trường, sẵn sàng giúp đỡ sinh viên khi có điều kiện như: tìm việc làm, tương trợ nhau trong khi làm việc,.... Đặc biệt, họ thường xuyên quay lại trường để tri ân thầy cô, đóng góp tiền gây quỹ học bổng cho các sinh viên nghèo. Tấm lòng và những việc làm của các em thật sự rất đáng trân trọng.
ThS. Phạm Hữu Hiến – Khoa XHHTT
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn