Trong tháng 2/2022, các giảng viên Khoa Công nghệ Sinh học Trường Đại học Bình Dương đã công bố 02 kết quả nghiên cứu trên Tạp chí khoa học quốc tế uy tín là Physical Chemistry Chemical Physics và Tạp chí Coatings, góp phần khẳng định thương hiệu Trường Đại học Bình Dương trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học với bạn bè quốc tế.
Thực hiện chủ trưởng của Ban Giám hiệu Trường Đại học Bình Dương về việc mở rộng hợp tác đối ngoại, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học với các đối tác nước ngoài đi vào chiều sâu và chất lượng, từ năm 2018, nhóm nghiên cứu của TS. Hoàng Ngọc Cương (Khoa Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Bình Dương) và TS. Stanislav Rizevsky (Phòng thí nghiệm Kurouski, Đại học Texas A&M) đã định hướng và tiến hành các nghiên cứu mang tính khoa học cao với nhiều thiết bị nghiên cứu hiện đại.
TS. Hoàng Ngọc Cương - Trưởng Khoa Công nghệ sinh học Trường Đại học Bình Dương
Xác định trọng tâm nghiên cứu chính của hợp tác là: Ứng dụng quang phổ Raman và phổ hồng ngoại trong việc xác định tính chất một số protein trong chẩn đoán bệnh; Định danh các loài nấm, vi khuẩn và virut gây bệnh trên cây trồng và ứng dụng Polyme sinh học trong bảo quản trái cây sau thu hoạch. Các kết quả nghiên cứu bước đầu đánh giá hiệu quả và có tiềm năng ứng dụng cao.
Trên tạp chí Physical Chemistry Chemical Physics, bài báo “Nanoscale Structural Analysis of a Lipid-Driven Aggregation of Insulin” của nhóm TS. Stanislav đã sử dụng quang phổ Raman và các loại quang phổ khác (AFM-IR, ATR-FTIR,…) để nghiên cứu sự tương tác của photpholipit với protein làm thay đổi mạnh cấu trúc và độc tính của một số loại protein. Từ đó có thể giúp tìm hiểu cơ chế của một số bệnh amyloidosis (bệnh tiểu đường loại 1 và 2, bệnh Alzheimer và Parkinson,…).
TS. Stanislav Rizevsky - Phòng thí nghiệm Kurouski, Đại học Texas A&M
Trên Tạp chí Coatings, bài báo “Antifungal Activity of Squid Pen Chitosan Nanoparticles against Three Fungal Pathogens in Various Citrus Fruits In Vitro and In Vivo” của nhóm nghiên cứu TS. Hoàng Ngọc Cương đã cho thấy Chế phẩm sinh học nano-chitosan được điều chế tại Khoa Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Bình Dương có hoạt tính sinh học cao, khả năng kháng nấm, kháng khuẩn mạnh. Từ đó được ứng dụng trong công nghệ bảo quản trái cây sau thu hoạch hiệu quả và ít tốn kém, đem lại lợi ích thiết thực cho người nông dân.
Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục tập trung nhiều vào tiềm năng và ứng dụng của polyme sinh học trong các lĩnh vực thực phẩm, môi trường và nông nghiệp. Đồng thời hướng dẫn sinh viên Khoa Công nghệ Sinh học tiếp cận các nghiên cứu và cùng với nhóm thực hiện các đề tài khoa học.
Khấu Hoàng Kim Giao – Khoa Công nghệ sinh học
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn