Dân tộc Việt Nam từ xa xưa vốn có truyền thống rất hiếu học và "Tôn sư trọng đạo”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (học một chữ cũng là thầy, học nửa chữ cũng là thầy). Gia đình có con học giỏi không chỉ vinh dự cho ông bà, cha mẹ, mà còn cho cả dòng họ. Dù nhà nghèo khó đến đâu, cha mẹ cũng cố tìm mọi cách cho con cái được học hành “nửa bụng chữ bằng một hũ vàng”.
Bác Hồ của chúng ta, khi dạy học tại trường Dục Thanh - Phan Thiết, tuy thời gian dạy không dài, nhưng những ngày dạy học, Bác đã khêu gợi ở học sinh cách học, sự tìm tòi. Khi học khắc sâu vào tâm hồn non nớt của trẻ một lòng yêu nước. Bác là nhà sư phạm lớn, không những nêu ra những quan điểm mà còn chỉ ra nội dung cụ thể trong công việc “trồng người”.
Nhưng trong công việc này đòi hỏi sự chịu đựng gian khổ, tinh thần trách nhiệm, sự kiên trì, vừa khoa học, vừa tinh tế mà Bác gọi một cách hình ảnh nhưng rất gần gũi mà dễ hiểu là “sự nghiệp trồng người”.
Bác Hồ là người luôn chăm lo, trăn trở đến sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ (Ảnh tư liệu)
Tư tưởng “trồng người” của Bác cho chúng ta thấy rõ vai trò của con người với sự hiểu biết, với năng lực đạo đức và phẩm chất chính trị trong sáng để phục vụ nhân dân.
Bác xác định rõ chức năng của người thầy giáo: “Nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục”. Nhưng để thực hiện được vai trò vẻ vang của mình, trước hết: “Thầy giáo phải xứng đáng là thầy, thầy phải được lựa chọn cẩn thận vì không phải ai cũng làm được”.
Tư tưởng về công tác giáo dục mang tính nhân văn và triết lý sâu sắc, chính vì quan tâm đến công tác giáo dục, trong lúc Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, Người đã viết bài in trên Tạp chí Cộng sản Pháp số 14 (năm 1921), Người đã căm phẫn lên án chính sách “làm cho dân ngu để dễ trị”, đầu độc dân bản xứ bằng rượu và thuốc phiện.
Người viết: “Người Đông Dương không được học, đúng thế, bằng sách vở và bằng diễn văn nhưng người Đông Dương nhận sự giáo dục bằng cách khác. Đau khổ, nghèo đói và sự đàn áp tàn bạo là người thầy duy nhất của họ. Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”.
Sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển tìm đường cứu nước, ngày 28/01/1941, Bác Hồ trở về Tổ quốc Việt Nam trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Trước hết, Người lo “diệt giặc đói khổ, diệt giặc dốt”. Ngày 01/02/1942, Người viết bài “Nên học sử ta”, in trên Báo Việt Nam độc lập:
“Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”
Người căn dặn: Dân ta phải biết sử ta. Sử ta dạy cho ta chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân tộc ta là con Rồng, cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước, tiếng để muôn đời.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 03/9/1945, Bác Hồ đã chủ trương “Mở một chiến dịch giáo dục”, đó là nhiệm vụ thứ hai trong những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Tiếp theo, ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh “Về việc thành lập Hội đồng cố vấn học chính”. Hội đồng gồm có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và 30 hội viên chọn ở các ngành, các giới để nghiên cứu trình Chính phủ những chủ trương, chính sách về giáo dục.
Bác còn quan tâm đến việc tổ chức bồi dưỡng đội ngũ giáo viên – những chiến sĩ tiên phong chống nạn mù chữ. Bác viết thư gửi anh chị, em giáo viên bình dân học vụ – những nhà giáo làm việc mà không có lương bổng, thành công mà không có tiếng tăm. Lòng hăng hái và nỗ lực của anh chị, em đã mang lại kết quả là đồng bào ta nhiều người biết đọc, biết viết. Người khen ngợi: “Vinh dự đó thì tượng đồng bia đá nào cũng không bằng”.
Hay tại lớp học chính trị của các giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc vào ngày 13/9/1958, Bác nói lời tâm huyết: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Bác giao nhiệm vụ cho ngành giáo dục trực tiếp là các nhà giáo đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho Nhà nước. Người căn dặn các thầy giáo, cô giáo không ngừng tu dưỡng đạo đức, không ngừng học tập, nâng cao nghiệp vụ.
Tư tưởng “trồng người” của Bác là chỉ cho chúng ta mục tiêu mà nền giáo dục phải đạt tới, đó là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh. Bác luôn coi con người là vốn quý nhất, là nhân tố đảm bảo cho sự thành công của cách mạng. Đó là con người phải được phát triển toàn diện về các mặt đức, trí, thể, mỹ.
Lúc sinh thời Bác đã khẳng định vai trò của người thầy là phải có tâm hồn, kiến thức và sau cùng là phương pháp sư phạm. Tâm hồn của người thầy được xây dựng trên lòng yêu thương vô hạn, lòng quý mến và sự tôn trọng con người. Chính lòng tôn trọng đó là cội nguồn của mọi tình cảm cao đẹp, là khởi thủy của đạo đức. Lòng yêu thương của người thầy phải được gắn liền với sự tôn trọng con người. Những hành vi, cử chỉ đi ngược lại sự tôn trọng là xúc phạm đến sự nghiệp cao cả, sự nghiệp “trồng người”.
Thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Bác, Đảng và Nhà nước ta hơn bao giờ hết luôn coi trọng sự nghiệp giáo dục. Năm 1982 đã lấy ngày 20/11 hàng năm làm "Ngày Nhà giáo Việt Nam"; quan tâm và tạo điều kiện cho đông đảo đội ngũ thầy giáo, cô giáo được đào tạo chính quy, để họ thực sự là những “kỹ sư tâm hồn”; đồng thời chăm lo cho cơ sở vật chất của ngành giáo dục như trường lớp, phương tiện, đồ dùng dạy học ngày một tiến bộ, văn minh và hoàn thiện; đồng lương của nhà giáo từng bước được cải thiện, ngoài lương cơ bản, thầy cô còn được hưởng phụ cấp đứng lớp.
Tuy nhiên, những tiêu cực trong ngành giáo dục trong thời gian qua và hiện nay làm mọi người lo ngại, như: bệnh thành tích, tiêu cực trong thi cử, nạn dạy thêm, học thêm tràn lan, chạy điểm, chạy trường..., điểm thi môn lịch sử trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh cao đẳng, đại học rất thấp khiến ta phải suy nghĩ.
Vài năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quan tâm của các cấp, ngành giáo dục đã có chuyển biến mạnh mẽ; mặt yếu kém được khắc phục, phong trào nhà trường thân thiện, học sinh tích cực, những tấm gương nhà giáo “vừa hồng vừa chuyên”, những học sinh – sinh viên chăm ngoan, vượt khó học giỏi, “học đi đôi với hành” ngày một nhiều hơn; nhiều học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế.
Hy vọng ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm có biện pháp hữu hiệu khắc phục những yếu kém, bất cập hiện nay, xứng đáng với lời vinh danh của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về giáo dục: "Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng toả hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời".
Đồng thời, bảo đảm thực hiện nghiêm túc tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, để giáo dục thật sự là "quốc sách hàng đầu", phục vụ đắc lực công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước ta.
(Tư liệu Hồ Chí Minh toàn tập. NXB Sự thật)
Hoàng Chương
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn