Việt Nam đang từng bước hội nhập sâu vào dòng chảy của thế giới ở nhiều lĩnh vực khác nhau theo xu thế chung của toàn cầu hóa. Do vậy, nhiều lĩnh vực hoạt động trong nước có những chuyển biến mạnh mẽ theo yêu cầu ngày một khắc khe của sân chơi chung – sân chơi quốc tế, trong đó có giáo dục. Giáo dục ngày nay không còn chỗ đứng cho việc đào tạo để “làm quan” mà giáo dục được đòi hỏi phải tạo ra những con người có thể “làm việc”, có khả năng hội nhập như một công dân toàn cầu thực thụ. Vậy nên, sự chuyển mình của các cơ sở đào tạo trong nước có thể thấy rõ nhất là chương trình và định hướng đào tạo. Người học không đơn thuần chỉ học kiến thức, mà bên cạnh đó, còn phải nắm vững thêm nhiều kỹ năng: tư duy, lễ tân, lên kế hoạch, làm việc nhóm... để khi rời ghế nhà trường hội nhập vào dòng chảy chung của xã hội, người học hoàn toàn có năng lực để trở thành một mắc xích, một thành tố trong cấu trúc của một hệ thống.
GS. Trần Văn Khê giao lưu và ký tặng sách cho sinh viên Nhà trường trong buổi giao lưu “GS. Trần Văn Khê – Chuyện kể từ trái tim” do Trường Đại học Bình Dương tổ chức
Là trường đại học đầu tiên và duy nhất được thành lập trên địa bàn tỉnh Bình Dương vào thời điểm tỉnh Bình Dương được tái thiết trên cơ sở phân đôi tỉnh Sông Bé. Do vậy, ngay từ khi thành lập, Trường Đại học Bình Dương gánh trên mình sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa của tỉnh Bình Dương lúc bấy giờ nói riêng và cả nước nói chung. Qua gần 25 năm hình thành và phát triển, với định hướng xây dựng nền giáo dục “mở”, Trường Đại học Bình Dương đã cung ứng cho xã hội hàng nghìn nhân lực giỏi chuyên môn, vững tay nghề, có tư cách đạo đức và trên hết là tinh thần trách nhiệm cao độ. Thành quả ấy đã được lượng giá cụ thể qua thành quả lao động thực tiễn của đội ngũ cựu sinh viên Nhà trường. Tính đến nay, có nhiều cựu sinh viên Trường Đại học Bình Dương đã trưởng thành trong cuộc sống, khẳng định giá trị bản thân trên cương vị quản lý của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, không ít trong số đó hiện còn là những người đang gánh vác trọng trách trong bộ máy công quyền.
Ca sĩ Nam Cường biểu diễn tại Trường Đại học Bình Dương trong Lễ Kỷ niệm 20 năm thành lập Trường
Với mục đích đào tạo những con người có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và cả với thiên nhiên, phương pháp “cộng học” Học – Hỏi – Hiểu – Hành được đề ra như một phương pháp giáo dục tối ưu giúp người học tự hoàn thiện chính mình. Phương pháp ấy còn được cụ thể hóa qua mô hình “5 hình thức người thầy”: thầy là cha mẹ, người thân; thầy là thầy cô trên lớp; thầy là sách, hội thảo khoa học; thầy là nguồn tư liệu Internet và thầy là chính bản thân mỗi người học. Nói cách khác, phương pháp đào tạo của Nhà trường chính là hướng đến sự phát triển toàn diện năng lực của mỗi cá nhân để có thể tiếp cận được kết quả cuối cùng là tư cách công dân toàn cầu.
Với định hướng ấy, suốt những năm qua Trường Đại học Bình Dương luôn coi trọng việc liên kết chương trình đào tạo với những cơ sở giáo dục danh tiếng trên thế giới, các chương trình nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng cao. Song song đó, Nhà trường cũng hết sức chú trọng đến việc tạo điều kiện để người học có thể phát huy bản thân ở mảng khoa học xã hội nhân văn.
Nghệ sĩ Cát Phượng và Kiều Minh Tuấn giao lưu với sinh viên tại Đêm văn nghệ chào mừng Kỷ niệm 20 năm thành lập Trường Đại học Bình Dương
Ngay những ngày đầu tiên thành lập, Trường Đại học Bình Dương đã chú trọng xây dựng và phát triển Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Văn hóa – Văn hóa dân tộc do TS.NSND Bạch Tuyết làm Giám đốc. Trung tâm còn may mắn được GS.VS Trần Văn Khê – Cố vấn cao cấp cho Hội đồng Khoa học Trường Đại học Bình Dương đỡ đầu và cố vấn chuyên môn cho các hoạt động văn hóa văn nghệ. Có thể nói, với sự nỗ lực không ngừng của Ban Giám hiệu Nhà trường cùng với sự đồng hành của những nhà giáo dục tâm huyết, Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Văn hóa – Văn hóa dân tộc của Trường Đại học Bình Dương là cái nôi ươm mầm tài năng của không ít thế hệ sinh viên đã và đang học tập tại Trường. Nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi trong nước đồng cảm với chủ trương chung của Nhà trường đã vui vẻ đồng hành với Trường Đại học Bình Dương suốt nhiều năm qua, có thể kể đến như: NS. Lý Bạch Huệ, NSND. Trần Hiếu, NSND Trần Ngọc Giàu, Đạo diễn Trần Văn Hưng, Đạo diễn Nguyễn Minh Hải; các nhạc sĩ như: Phạm Đăng Khương, Nguyễn Đức Trung, Từ Huy, Nhạc sĩ Lê Quang, Nguyễn Quang Tuấn; NSND Quang Hải, TS. Trần Quang Hải, Ca sĩ Bạch Yến, Diễn viên Cát Phượng, Diễn viên Kiều Minh Tuấn, Ca sĩ Đoan Trang; Ca sĩ Nam Cường, Ca sĩ Quốc Đại…
Ca sĩ Quốc Đại biểu diễn tại Đêm văn nghệ chào mừng Kỷ niệm 20 năm thành lập
Trường Đại học Bình Dương
Ca sĩ Đoan Trang biểu diễn tại Đêm văn nghệ chào mừng Kỷ niệm 20 năm thành lập Trường Đại học Bình Dương
Trước thềm năm học mới, Trường Đại học Bình Dương lại tiếp tục hoàn thiện chương trình đào tạo, tăng cường liên kết nước ngoài tạo bầu không khí học tập tốt nhất cho các bạn sinh viên đang theo học tại Trường. Đặc biệt, trong năm học mới 2020 – 2021, Trường Đại học Bình Dương có được sự đồng hành của các nhà khoa học đầu ngành, các doanh nghiệp và còn có cả những thầy cô giáo của trường sân khấu điện ảnh, các anh chỉ diễn viên, nghệ sĩ trẻ. Từ đó, giúp cho các bạn sinh viên có môi trường học tập đậm chất khoa học và giàu chất nhân văn, tạo điều kiện tối ưu để các bạn khẳng định bản thân trong khoa học và khai thác bản thân trong nghệ thuật. Với sự nỗ lực này, hứa hẹn một năm học mới đầy sôi động của thầy và trò Trường Đại học Bình Dương.
Trường Đại học Bình Dương – Đến để khoe hương cuộc sống