Thầy giáo – nghệ sĩ Cao Việt Hưng và mối duyên với nghệ thuật

Thứ hai - 04/03/2019 22:03

Thầy giáo – nghệ sĩ Cao Việt Hưng luôn tự hào về một thời tuổi trẻ đáng sống với những hoạt động phong trào, cộng đồng sôi nổi.

2 IMG 1315

Nghệ sĩ Cao Việt Hưng (bìa trái) trong chương trình “Chuyện 4 mùa”

Bỏ trường Y thi vào Điện ảnh

Thời học cấp 2, 3 ở Cần Thơ, Cao Việt Hưng đã có năng khiếu và hoạt động phong trào văn thể mỹ và Đoàn, Đội tích cực. Theo ý nguyện của gia đình, anh thi đậu vào Đại học Y nhưng học đến năm thứ ba, nhận thấy mình không phù hợp với nghề này, Cao Việt Hưng âm thầm bỏ học và thi vào khóa diễn viên điện ảnh đầu tiên của Trường Điện ảnh Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh (niên khóa 1987-1991), học cùng lớp với các diễn viên: Lý Hùng, Lê Tuấn Anh, Diễm Hương, NSƯT Ngọc Hiệp, Nguyễn Huỳnh, Võ Thế Vỹ, Thiệu Ánh Dương, Đạt Phi…

Những năm miệt mài học tập, Cao Việt Hưng lọt vào top 3 sinh viên nổi bật của lớp, được các thầy cô như Nguyễn Văn Phúc, Kim Cúc, Mai Thanh Dung… và bạn bè đánh giá cao ở đài từ và khả năng diễn xuất.

Khi biết người con trai cả tự ý bỏ ngành Y để theo nghề hát xướng, gia đình giận đến mức gần như cắt luôn “viện trợ”, thành thử Hưng phải phải làm thêm nhiều công việc khác nhau để trang trải cho cuộc sống “tự thân vận động”.

6 IMG 1333

Diễn viên Cao Việt Hưng thời học ở Trường Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh năm 1989

Gần 30 năm qua, Cao Việt Hưng đã tham gia diễn xuất trong phim: Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga, Vị đắng tình yêu…, là MC, diễn viên lồng tiếng và góp mặt trong nhiều vở kịch của HTV như: Hải Thụy bãi quan, Khuất Nguyên, Tất cả đều là con tôi, Phía sau đôi mắt, Làng Hợi đón Tết… 

Tuy nghề diễn viên chỉ là cái nghiệp và thời gian khá eo hẹp, nhưng hiện nay, khán giả vẫn có nhiều dịp gặp người nghệ sĩ đa tài với tính cách chu đáo, vui nhộn và hài hước này trong kịch: Dấu xưa, Kỳ án xứ mặt trời, Duyên ai tại Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B và hơn 50 vở Chuyện 4 Mùa, Miền ký ức trên màn ảnh nhỏ HTV.

5 IMG 1331

Các thành viên Hội quán Sinh viên tham gia chương trình “Miền ký ức” của HTV

Bên cạnh đó, anh vẫn cùng đạo diễn Tuấn Khôi, người bạn diễn từng gắn bó thời nhóm kịch Cầu vồng năm xưa, viết tiểu phảm và dàn dựng chương trình tuyên truyền pháp luật cho Liên Đoàn Lao Động TP. Hồ Chí Minh, diễn phục vụ công nhân ở các khu chế xuất, Nhà Văn hóa Lao Động tại các quận huyện…

Dấu ấn sôi nổi và hiện tại thăng hoa

Năm 1989, anh trúng tuyển vào làm việc tại phòng Văn học Nghệ thuật Nhà Văn hóa Thanh Niên TP. Hồ Chí Minh, được phân công phụ trách Trung tâm Điện ảnh trẻ của Nhà Văn hóa.

Những năm 1995-1996, Cao Việt Hưng là gương mặt cán bộ Đoàn năng nổ, được tuyên dương là Thanh niên tiên tiến các tỉnh miền Đông Nam bộ, là chủ nhiệm Hội quán sinh viên Thành Đoàn với đội quân xung kích tình nguyện phục vụ “Chiến dịch ánh sáng văn hóa hè ở Cần Giờ”, phong trào “Mùa hè xanh” ở vùng biên giới hải đảo (Trường Sa 1995)...

Cao Việt Hưng cùng các thành viên tham gia Chiến dịch “Ánh sáng văn hóa hè 1996”

Gia đình có truyền thống khoa học – sư phạm, cha Cao Việt Hưng chính là Viện sĩ – Tiến sĩ Cao Văn Phường - thành viên sáng lập và là Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Mở - Bán công TP. Hồ Chí Minh năm 1990. Năm 1999, vị Viện sĩ tốt nghiệp ngành Toán - Cơ, từng du học Liên Xô (cũ), Ba Lan... được điều về tiếp quản, làm Hiệu trưởng Đại học Bình Dương. Cũng trong năm 1999, Cao Việt Hưng về Đại học Bình Dương để chung tay cùng gia đình phát triển trường đại học dân lập đầu tiên của tỉnh Bình Dương lúc đó. 

Bước vào môi trường mới, sau những bỡ ngỡ ban đầu, Cao Việt Hưng đã có những sáng kiến trong vai trò giảng viên, và được bổ nhiệm là Hiệu phó, phụ trách công tác chính trị - tư tưởng trong trường và xây dựng thành công mô hình Nhà hát sinh viên.

Từ năm 2001 đến nay, Nhà hát đã tổ chức nhiều chương trình tạo được dấu ấn như: Biểu diễn giao lưu với nhà hát giao hưởng Việt Nam, tìm hiểu nhạc tính phòng và opera, các hương trình chân dung và đối thoại,... Ngoài ra, thầy Cao Việt Hưng còn thành lập Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc - một mô hình đưa văn hóa vào giáo dục đại học hiệu quả.

Các hoạt động văn hóa nghệ thuật, phong trào đoàn hội luôn là một thế mạnh của Đại học Bình Dương. Trong những năm qua, nhà trường đã đăng cai tổ chức các chương trình lớn và thành công như Liên hoan tiếng hát SV toàn quốc năm 2012, Festival sinh viên kiến trúc toàn quốc lần thứ 9-2014, phối hợp với Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh đưa chương trình Vầng trăng cổ nhạc về với sinh viên trong tháng 6/2015. Đoàn nghệ thuật múa sinh viên Đại học Bình Dương - phân hiệu Cà Mau cũng vừa tham dự Festival nghệ thuật múa sinh viên quốc tế tại Thái Lan và đoạt giải vũ đạo xuất sắc...

8 IMG 1672

Thầy Cao Việt Hưng và cha - Giáo sư - Viện sĩ Cao Văn Phường

Hiện nay, Viện sĩ – Tiến sĩ Cao Văn Phường giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị, ba người con thành đạt của ông: Tiến sĩ Cao Việt Hiếu là Hiệu trưởng, Tiến sĩ Cao Thị Việt Hương và Cao Việt Hưng là Phó Hiệu trưởng.

Với niềm mong ước sinh viên nói riêng, thế hệ trẻ nói chung hiểu và yêu nghệ thuật của dân tộc, thầy giáo – nghệ sĩ Cao Việt Hưng mong muốn có nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp tiếp cận với sinh viên, các đài truyền hình có nhiều chương trình dành cho đối tượng này, từ đó giúp cho sinh viên có thái độ sống tích cực hơn, xã hội tốt đẹp hơn.

Nguồn: Lê Quỳnh - Đài Truyền hình TP.HCM

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây