Sáng 25/7, tại Phòng Quản lý khoa học và Quan hệ đối ngoại (QLKH & QHĐN) Trường Đại học Bình Dương đã diễn ra buổi nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường cho ThS. Nguyễn Thanh Cai – Giảng viên Khoa Kinh tế với đề tài “Luận giải về nợ công và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nợ công ở Việt Nam giai đoạn 2020 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”.
Hội đồng nghiệm thu do PGS.TS Lê Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Nhà trường làm Chủ tịch; PGS.TS Phan Thị Cúc – Giảng viên Khoa Kinh tế làm phản biện 1; PGS.TS Lê Thị Mận – Giảng viên Khoa Kinh tế làm phản biện 2; TS. Đỗ Đoan Trang – Trưởng khoa Kinh tế làm ủy viên và ThS. Khấu Hoàng Kim Giao – Nhân viên Phòng QLKH & QHĐN làm thư ký.
ThS. Nguyễn Thanh Cai trình bày tại buổi nghiệm thu
Trình bày tại Hội đồng nghiệm thu, ThS. Nguyễn Thanh Cai cho biết: Đối với Việt Nam, trong sự nghiệp đổi mới quản lý kinh tế - xã hội của đất nước hơn 30 năm qua, nợ công đã góp phần quan trọng trong việc huy động các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước để đầu tư phát triển. Nhờ vậy, GDP trong những thập kỷ qua đều tăng với tỷ lệ ổn định khá cao, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao và vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới ngày càng cải thiện.
Tuy nhiên, việc quản lý nợ công còn nhiều bất cập, hạn chế, tỷ lệ nợ công so với GDP của nước ta vẫn còn cao hơn nhiều nước trên thế giới, hiệu quả sử dụng nợ công vẫn còn thấp, tình trạng tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công chưa được ngăn chặn kịp thời. Vì vậy, phải thực hiện các giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả quản lý nợ công trong giai đoạn trước mắt là vấn đề vô cùng quan trọng và cấp bách.
Thành viên trong Hội đồng nghiệm thu đặt câu hỏi cho tác giả
Xoay quanh mục đích nghiên cứu của đề tài, ThS. Nguyễn Thanh Cai chia sẻ: “Trên cơ sở kế thừa những kết quả nghiên cứu trước đây, đề tài “Luận giải về nợ công và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nợ công ở Việt Nam giai đoạn 2020 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” được thực hiện nhằm hệ thống hóa, luận giải những vấn đề cơ bản về nợ công và quản lý nợ công; Nghiên cứu, đánh giá thực trạng tình hình nợ công và quản lý nợ công ở Việt Nam giai đoạn 2010 – 2019, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp khả thi nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nợ công ở Việt Nam giai đoạn 2020 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”.
Hội đồng nghiệm thu nhận xét về đề tài
Nhận xét về đề tài nghiên cứu của ThS. Nguyễn Thanh Cai, các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao mục đích cũng như nội dung chính của đề tài mà tác giả đã thực hiện. Đề tài nghiên cứu nếu xét về mặt thực tiễn sẽ giúp các cơ quan quản lý Nhà nước về nợ công hoạch định chính sách nợ công, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành công tác quản lý nợ công; Các tổ chức, doanh nghiệp vay và sử dụng nợ công sẽ đề ra các biện pháp quản lý, sử dụng nợ công có hiệu quả hơn; Những cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nâng cao hiệu quả trong quá trình thực thi nhiệm vụ kiểm tra, kiểm toán nợ công.
PGS.TS Phan Thị Cúc chia sẻ về đề tài nghiên cứu của tác giả
PGS.TS Phan Thị Cúc - Giảng viên Khoa Kinh tế, Phản biện 1 của Hội đồng nghiệm thu chia sẻ: Khi “mổ xẻ” tính hiệu quả của đề tài về mặt lý luận ta thấy rõ, đề tài sẽ bổ sung và làm phong phú thêm lý thuyết về nợ công và quản lý nợ công trong các giáo trình, tài liệu giảng dạy, tham khảo; Làm luận cứ xây dựng các phương án vay nợ, dự án đầu tư và sử dụng vốn vay nợ công.
Một số hình ảnh tại buổi nghiệm thu sáng nay:
Ban Biên tập
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn