“Thực tế ảo (Virtual Reality) là thuật ngữ miêu tả một môi trường mô phỏng bằng máy tính. Đa phần các môi trường thực tế ảo chủ yếu là hình ảnh hiển thị trên màn hình máy tính thông qua kính nhìn ba chiều” - GENK. Ngoài việc tạo ra không gian ảo, công nghệ thực tế ảo (viết tắt là VR) còn có thể tương tác thực tế với người dùng qua cử chỉ và nhiều giác quan khác.
Ngày nay, công nghệ VR đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội như: giải trí, du lịch số, quân sư, y học… và giáo dục cũng không nằm ngoài “cuộc chơi” này. Trong lĩnh vực giáo dục, công nghệ thực tế ảo đem lại nhiều lợi ích cho cả người dạy và người học. Trước bối cảnh về cuộc cách mạng 4.0 ở nước ta hiện nay cũng như những lợi ích mang lại từ công nghệ VR, Khoa Kiến trúc - Xây dựng Trường Đại học Bình Dương trong giai đoạn vừa qua đã từng bước đưa công nghệ này vào giảng đường để nâng cao chất lượng giảng dạy.
Những thiết bị hỗ trợ để giảng dạy bằng phương pháp công nghệ thực tế ảo VR
ThS. Trịnh Văn Thưởng – Phó Trưởng khoa Kiến trúc – Xây dựng Trường Đại học Bình Dương chia sẻ: Khi học với công nghệ VR, sinh viên chắc chắn sẽ có được trải nghiệm học tập phong phú và hấp dẫn hơn nhiều so với việc học theo hình thức truyền thống. Sự tương tác và tiếp cận với môi trường ảo sẽ giúp các em vừa cảm thấy thú vị, vừa dễ hiểu bài và ghi nhớ sâu hơn.
ThS. Trịnh Văn Thưởng – P. Trưởng Khoa Kiến trúc – Xây dựng Trường Đại học Bình Dương chia sẻ về phương pháp giảng dạy thông qua công nghệ thực tế ảo VR
Để phương pháp này có thể vận hành trơn tru khi áp dụng vào thực tiễn, Ban Lãnh đạo Khoa trong thời gian qua đã có những động thái mang tính bước đệm như: tổ chức nhiều buổi họp chuyên môn, các cuộc thi liên quan đến công nghệ VR… nhằm giúp sinh viên làm quen với phương pháp hoàn toàn mới này. Đơn cử như vào ngày 09/11/2019, Khoa Kiến trúc – Xây dựng Trường Đại học Bình Dương đã tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu về An toàn lao động trong xây dựng thông qua kính thực tế ảo” lần I năm 2019. Thông qua cuộc thi, sinh viên trong Khoa đã tiếp thu và trau dồi nhiều kiến thức về an toàn lao động bên cạnh kiến thức chuyên ngành, từ đó khi ra ngoài công trình học tập hoặc thi công, sinh viên sẽ hạn chế hoặc không vướng phải việc bị tai nạn lao động, đặc biệt với môi trường vô cùng đặc thù như công trường xây dựng.
Sinh viên Khoa Kiến trúc – Xây dựng tham gia Cuộc thi “Tìm hiểu về An toàn lao động trong xây dựng thông qua kính Thực tế ảo” do Khoa tổ chức diễn ra vào ngày 09/11/2019
Liên quan đến câu chuyện thay đổi phương thức giảng dạy trong thời đại ngày nay cũng như những giải pháp đi kèm để giáo dục đại học (GHĐH) phát triển hơn, ThS. Trịnh Văn Thưởng chia sẻ: “Trong kỷ nguyên số hóa, GDĐH sẽ thay đổi sâu rộng từ môi trường giáo dục, vai trò của người dạy, người học đến phương pháp dạy học. Do đó, để đổi mới và phát triển giáo dục đại học từ đó đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, chúng ta cần nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển GDĐH; đổi mới chương trình và phương thức đào tạo. Đặc biệt, bắt buộc phải áp dụng những sản phẩm tiên tiến của công nghệ vào quá trình giảng dạy”.
Giảng viên Khoa Kiến trúc – Xây dựng giới thiệu phương pháp giảng dạy bằng công nghệ thực tế ảo VR trong các buổi họp chuyên môn
Có thể thấy, việc kết hợp giữa phương pháp giảng dạy truyền thống với phương pháp giảng dạy bằng công nghệ VR của Khoa Kiến trúc – Xây dựng Trường Đại học Bình Dương trong thời gian tới, sẽ giúp sinh viên có cái nhìn trực quan, đa chiều về môn học, các phần việc, không gian làm việc sẽ dần được hé mở trước khi sinh viên ra ngoài công trình thực tế. Ngoài ra, khi áp dụng phương pháp này, giảng viên sẽ có thêm sự lựa chọn trong việc truyền đạt kiến thức đến sinh viên được hiệu quả, sinh động hơn./.
Ban Biên tập
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn