Chiều nay (02.4), Trường Đại học Bình Dương đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học công nghệ cấp tỉnh “Điều chế và ứng dụng của chitosan/nano-chitosan trong bảo quản trái cây sau thu hoạch”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chuỗi những hoạt động của đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh Bình Phước “Nghiên cứu bảo quản trái cây sau thu hoạch bằng chế phẩm nano-chitosan ở tỉnh Bình Phước” do Trường Đại học Bình Dương chủ trì.
Đến tham dự về phía Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Bình Phước có ông Nguyễn Ngọc Lai – Chánh văn phòng; ông Lê Văn Duyệt - Phó trưởng phòng phòng Quản lý KH&CN; ông Trần Nguyên Cốp – Chuyên viên. Về phía Trường Đại học Bình Dương có NGƯT.PGS.TS Lê Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương; TS. Hoàng Ngọc Cương – Trưởng Khoa Công nghệ sinh học; TS. Đào Văn Tuyết – Trưởng Phòng Quản lý Khoa học & Quan hệ đối ngoại cùng quý thầy cô là lãnh đạo các khoa, viện trung tâm cũng như quý nhà khoa học, nhà nghiên cứu…
NGƯT.PGS.TS Lê Văn Cường phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, NGƯT.PGS.TS Lê Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương đã đại diện Hội đồng Trường, Ban Giám hiệu nhiệt liệt hoan nghênh và gửi lời cảm ơn chân thành đến các nhà nghiên cứu đã đến tham dự Hội thảo do Nhà trường đăng cai tổ chức.
NGƯT.PGS.TS Lê Văn Cường cho biết: Công nghệ sau thu hoạch được xem là giải pháp quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và nâng cao đời sống kinh tế cho người làm nông nghiệp, có đóng góp đáng kể cho đất nước. Tuy nhiên, ngành này cũng tồn tại những nút thắt trong chuỗi giá trị sản xuất như sản phẩm thô, chất lượng nguyên liệu và sản phẩm chế biến còn thấp… Vì thế Hội thảo là dịp để Nhà trường chia sẻ kết quả nghiên cứu về phương pháp điều chế và hiệu quả sử dụng của chitosan/nano-chitosan trong bảo quản trái cây sau thu hoạch đến các sở ban ngành, nhà khoa học, nhà quản lý, người nông dân và doanh nghiệp nhằm tìm ra giải pháp an toàn, hiệu quả, kinh tế trong việc bảo quản trái cây sau thu hoạch.
Các tác giả tham luận tại Hội thảo
Hội thảo đã nhận được nhiều đề tài đăng ký tham luận của những tác giả, nhà nghiên cứu. Tại chương trình, các báo cáo viên đã lần lượt trình bày đề tài nghiên cứu của mình. Theo đó, các đề tài sau khi báo cáo đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đa số khách mời vì hàm lượng kiến thức chuyên môn, tính sáng tạo, đột phá trong việc giải quyết bài toán về bảo quản trái cây sau thu hoạch, đặc biệt là trái cây có múi tại Bình Phước như: “Đánh giá khả năng kháng nấm Lasiodiplodia sp., Alternaria sp. và Penicillium sp. gây bệnh sau thu hoạch trên trái cây có múi của nano chitosan ở điều kiện In Vitro và In Vivo” do TS. Hoàng Ngọc Cương tham luận; “Nghiên cứu khả năng bảo quản quả xoài cát hoà lộc bằng màng chitosan độ deacetyl 90% – nano bạc” do TS. Nguyễn Huỳnh Đình Thuấn tham luận; “Nghiên cứu khả năng cắt mạch chitosan ở trạng thái rắn bằng tác nhân sinh học” do TS. Nguyễn Công Minh tham luận; “Khảo sát quá trình thủy phân chitosan bằng cellulase tạo chitooligosaccharide” do TS. Phạm Viết Nam tham luận; “Tổng quan về điều chế, tính chất và ứng dụng của nanochitosan trong bảo quản trái cây” do PGS.TS Nguyễn Văn Hòa tham luận.
Liên quan đến đề tài “Tổng quan về điều chế, tính chất và ứng dụng của nanochitosan trong bảo quản trái cây” TS. Hoàng Ngọc Cương cho biết: Các hạt chitosan có kích thước nanomet (nanochitosan) đã và đang được nghiên cứu rộng rãi hướng đến các ứng dụng thực tiễn như trong phân phối thuốc, bảo quản nông sản sau thu hoạch và chế biến thực phẩm. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, tính chất và hiệu quả sử dụng của nanochitosan phụ thuộc nhiều vào tính chất của chitosan ban đầu và quy trình điều chế các hạt chitosan có kích thước nano.
TS. Hoàng Ngọc Cương giới thiệu và trình bày về tính chất, công dụng của nanochitosan trong bảo quản trái cây
Tham luận tại buổi Hội thảo về “Nghiên cứu khả năng cắt mạch chitosan ở trạng thái rắn bằng tác nhân sinh học” TS. Nguyễn Công Minh cho hay: Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy trong 6 chủng vi khuẩn (H1-H7) đã phân lập, chủng H6 có khả năng cắt mạch chitosan mạnh nhất với hiệu suất cắt mạch đạt 72,2%. Kết quả kiểm tra sinh hoá ban đầu cho thấy chủng vi khuẩn H6 thuộc chi Bacillus, Gram -, tế bào có hình que, dính chùm, không di động, có khả năng phân giải indol, statol, sinh khí H2S… Sản phẩm cắt mạch có khối lượng phân tử thấp, chất lượng ổn định có thể ứng dụng trong các lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm.
Trải qua gần 4 tiếng tham luận và trao đổi, Hội thảo đã nhận được nhiều ý tưởng, đóng góp mang tính xây dựng với nhiều góc độ và khía cạnh khác nhau. Đây sẽ là nguồn thông tin, tư liệu hữu ích cho đề tài nghiên cứu cấp tỉnh của Trường Đại học Bình Dương đang thực tại tỉnh Bình Phước.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:Ban Biên tập
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn