Dạy học theo dự án: Sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành

Chủ nhật - 23/08/2020 22:19

Với phương châm đào tạo kiến thức chuyên sâu, trang bị kỹ năng thực tế cho sinh viên ngay từ những năm đầu đại học, Khoa Kinh tế đã triển khai mô hình Project-based learning (PBL - đào tạo theo dự án) ở tất cả các ngành học như Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng và Việt Nam học (Du lịch). PBL lấy người học làm trung tâm, đưa sinh viên từ thế học bị động sang chủ động. Các bài tập, bài thi của nhóm hay cá nhân sinh viên đều thực hiện trên một dự án có thật, mô phỏng thực trạng hoạt động đang diễn ra tại nhiều doanh nghiệp, công ty.

Sinh viên Nhà trường thực tập tại Ngân hàng VIB

Điểm khác biệt so với nhiều chương trình đào tạo truyền thống khác, ngay từ học kỳ 2 năm thứ nhất, sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng đã được nhà trường tạo điều kiện tiếp cận mô hình PBL thông qua môn học Dự án tập sự Giao dịch viên.

Giảng viên Nguyễn Minh Hải - Phó Trưởng bộ môn Tài chính - Ngân hàng, phụ trách triển khai dự án này cho biết: Mục tiêu đào tạo của môn học nhằm giúp sinh viên năm nhất có cơ hội làm quen với môi trường làm việc thực tế tại ngân hàng thương mại, được trang bị những kỹ năng thực hành của vị trí tập sự giao dịch viên (được xem như là nhân viên quản lý sảnh) tại ngân hàng. Cụ thể, sinh viên biết thực hiện một số công việc như: hướng dẫn khách hàng điền thông tin vào các biểu mẫu; tư vấn và giới thiệu khách hàng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng; giải đáp các thắc mắc liên quan đến một số sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng. Ngoài ra, sinh viên còn được trang bị kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phân tích và xử lý tình huống khi giao dịch với khách hàng tại vị trí quầy tiếp nhận trong ngân hàng.

Một điều không thể tách rời trong mô hình PBL, đó là giảng viên phải là người có nhiều kinh nghiệm, là các chuyên gia trong lĩnh vực mình phụ trách. Chị Lê Thị Hoan - Kiểm soát viên tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) - PGD Thủ Dầu Một là người trực tiếp hướng dẫn các em sinh viên thực tập môn dự án đã chia sẻ: “Phương pháp đào tạo này giúp người học xóa bỏ cảm giác bỡ ngỡ khi bước chân ra môi trường làm việc thực tế. Bên cạnh đó, mô hình dạy học theo dự án sẽ giúp sinh viên luôn cập nhật kịp thời những kiến thức thực tế ở môi trường doanh nghiệp.”

Chị Lê Thị Hoan (người đứng) - Kiểm soát viên tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) - PGD Thủ Dầu Một hướng dẫn nghiệp vụ cho sinh viên

Về phía sinh viên, nhiều bạn tỏ ra thích thú khi được đưa đến ngân hàng, có cơ hội tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế ngay từ năm nhất. Bạn Khánh Ly đã viết trong báo cáo môn học về cảm nhận của mình: “Khi đến ngân hàng thực tập, nhìn thấy quang cảnh giao dịch tại VIB, giúp em hình dung được môi trường làm việc tương lai sẽ như thế nào. Chị Hoan và các chị Giao dịch viên đã giải đáp, chỉ dẫn tận tình cho nhóm chúng em những kiến thức, kỹ năng thực tế tại quầy giao dịch.”

Trong buổi tổng kết môn dự án, bạn Thùy Trang cũng như các bạn sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng thể hiện sự háo hức chờ đợi hai dự án tiếp theo. Thùy Trang chia sẻ: “Em rất mong chờ sẽ sớm tiếp cận, va chạm công việc thực tế nhiều hơn ở năm 2 và năm 3 với Dự án Giao dịch viên và Dự án Hỗ trợ tín dụng. Sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành thông qua các môn học dự án sẽ giúp em mạnh dạn hơn trong việc ứng tuyển vào ngân hàng sau này.”

Tin, ảnh: Nguyễn Minh Hải – Giảng viên Khoa Kinh tế

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây