BPO - Sáng nay 9-6, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức họp tư vấn đánh giá nghiệm thu đề tài khoa học “Nghiên cứu xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch tại tỉnh Bình Phước” của nhóm tác giả được Trường đại học Bình Dương chủ trì thực hiện, với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia về du lịch.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh phát biểu tại cuộc họp
Phát biểu quán triệt nội dung nghiệm thu đề tài, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh nhấn mạnh: Bình Phước là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trong những vùng đất có nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, các tập tục sinh hoạt văn hóa - đời sống bản địa nhân văn đặc sắc mà nhiều nơi khác không có, đã tạo ra nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể được coi là tài liệu tham khảo trong công tác hoạch định chính sách du lịch cấp địa phương, định hướng và quản lý phát triển du lịch tại Bình Phước. Điều này không chỉ góp phần cải thiện về số lượng loại hình sản phẩm mà còn tạo ra thu nhập, trải nghiệm cho du khách và góp phần phát triển bền vững.
GS.TS Cao Việt Hiếu báo cáo và đề xuất giải pháp phát triển du lịch bền vững ở Bình Phước
Nhóm tác giả do GS.TS Cao Việt Hiếu – Hiệu trưởng Trường đại học Bình Dương làm chủ nhiệm đề tài, đã triển khai thực hiện điều tra, khảo sát nhằm thu thập thông tin, tài liệu, dữ liệu tại các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và Đắk Nông vào dịp các ngày lễ lớn của đất nước. Nhóm tác giả còn khảo sát thực tế, tham khảo ý kiến tại 10 điểm du lịch trên địa bàn tỉnh và các chuyên gia đầu ngành du lịch của các cơ quan, đơn vị liên quan. Đồng thời, qua 2 lần tổ chức hội thảo với chủ đề “Thực trạng và các nhân tố ảnh hưởng đến sản phẩm du lịch Bình Phước”, “Đề xuất giải pháp quản lý và phát triển sản phẩm du lịch theo hướng bền vững tại Bình Phước” đã nhận được 60 bài viết để đăng trong kỷ yếu, 20 bài tham luận chọn trình bày tại hội thảo.
Trên cơ sở nghiên cứu, nhóm tác giả cho rằng Bình Phước rất giàu tiềm năng du lịch nên đã đề xuất giải pháp 3 chữ “T” để du lịch ở tỉnh phát triển tầm nhìn đến năm 2030. Đó là “tâm” của lãnh đạo tỉnh đối với chiến lược phát triển du lịch; “thế” mạnh xây dựng sản phẩm có giá trị cốt lõi tạo nên hệ sinh thái du lịch chạm vào trái tim của du khách; “tầm” nhìn nhằm phát triển các sản phẩm du lịch bền vững. Đồng thời, đề xuất các giải pháp về chính sách nhằm thu hút đầu tư vào du lịch ở tỉnh Bình Phước.
Nhà khoa học phản biện, đánh giá tại buổi nghiệm thu đề tài
Các nhà khoa học đã có buổi làm việc trách nhiệm, bằng tinh thần khoa học, gắn bó chặt chẽ với thực tiễn đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư, đưa ra những nhận định, đánh giá và đề xuất xác thực, phù hợp thực tế ở địa phương.
Kết quả nghiên cứu được thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao, đề tài làm cơ sở định hướng quan trọng cho các cơ quan chức năng của tỉnh hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược phát triển các mô hình du lịch tại Bình Phước.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn