Sáng nay (10/9), Khoa Luật học Trường Đại học Bình Dương đã phối hợp cùng Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế với chủ đề: “Đảm bảo quyền của người khuyết tật trong phát triển bền vững tại Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ của chuỗi Hội thảo Khoa học Quốc tế với chủ đề “Khoa học, công nghệ và giáo dục – Động lực phát triển nhanh và bền vững” do Nhà trường tổ chức nhằm chào đón Kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Trường Đại học Bình Dương (24/9/1997 – 24/9/2022).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. LS Phan Thông Anh - Đại diện Ban tổ chức, Trưởng khoa Luật Trường Đại học Bình Dương cho biết: Hội thảo được tổ chức nhằm hướng tới bảo đảm quyền người khuyết tật theo mục tiêu phát triển bền vững, gợi mở các giải pháp hoàn thiện khung pháp luật và tăng cường hiệu lực thực thi quyền của người khuyết tật tại Việt Nam, tuân thủ các cam kết quốc tế, đặc biệt là thực thi CRPD và gia nhập Hiệp ước Marrakesh. Bên cạnh đó, Nhà trường mong muốn tạo diễn đàn giao lưu khoa học pháp lý giữa Trường Đại học Bình Dương, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, giới nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước về quyền của người khuyết tật và các biện pháp nhằm đảm bảo quyền của người khuyết tật, trách nhiệm của Nhà nước và cộng đồng xã hội đối với nhóm người yếu thế này.
Ngoài ra, Hội thảo cũng góp phần thực hiện chức năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong cộng đồng; thúc đẩy mục tiêu và nâng cao vị thế Trường Đại học Bình Dương và UNDP trong hoạt động nghiên cứu khoa học về quyền con người và sự phát triển bền vững.
Ban Tổ chức Hội thảo cho biết: Hội thảo đã nhận được nhiều đề tài đăng ký tham luận của những tác giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, những bài tham luận ở Hội thảo lần này có hàm lượng khoa học và nội hàm mang tính thực tiễn cao xoay quay chủ đề hòa nhập của người khuyết tật trong các kế hoạch, mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia.
Các nhà nghiên cứu trình bày tại Hội thảo
Hội thảo được diễn ra với 2 phiên gồm 10 tham luận, tiêu biểu như: “Triển vọng hỗ trợ xã hội cho người tàn tật trong chiến lược mới của Uzbekistan” của GS. Mukhitdinova Firuza Abdurashidovna - Đại học Quốc gia Tashkent, “Xóa bỏ rào cản trong tiếp cận và hưởng thụ quyền con người của phụ nữ khuyết tật ở Việt Nam hiện nay” của PGS. TS Nguyễn Thị Báo - Giảng viên cao cấp, Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Tường Duy Kiên - Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với tham luận “Quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em khuyết tật - chuẩn mực quốc tế, pháp luật và thực tiễn ở Việt Nam”; TS. Trần Thái Dương – Trường Đại học Luật Hà Nội với tham luận “Quyền tiếp cận và cách tiếp cận dựa trên quyền của người khuyết tật ở Việt Nam hiện nay”.
TS. Uwano Toshi – Đại học Tokyo (Nhật Bản) với tham luận “Hướng tới một xã hội hòa nhập ở Việt Nam. Từ góc độ không rào cản”; TS. Aneesh V Pillai - Trường Nghiên cứu Pháp lý Đại học Khoa học và Công nghệ Cochin Kochi, Ấn Độ với tham luận “Phúc lợi cho người khuyết tật: Phạm vi của Khung pháp lý quốc gia và quốc tế của Ấn Độ”; ThS. Đào Thu Hương - Quản lý chương trình hòa nhập người khuyết tật, UNDP Việt Nam với tham luận “Xem xét luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) với lăng kính của Hiệp ước Marrakesh” cùng nhiều bài tham luận của các nhà nghiên cứu đến từ Trường Đại học Văn Lang; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam…Hội thảo được tổ chức với 2 hình thức online và offline
Liên quan đến tham luận “Quyền bình đẳng trong lao động của người khuyết tật theo pháp luật Việt Nam và một số quốc gia khác” của nhóm tác giả TS.LS Phan Thông Anh - Trưởng Khoa Luật học Trường Đại học Bình Dương; ThS.LS Vũ Thị Bích Hải – Trường Đại học Văn Lang; ThS. Lê Hồ Trung Hiếu – Trường Đại học Văn Lang và ThS. Đoàn Kim Vân Quỳnh – Trường Đại học Văn Lang, nhóm tác giả cho hay: Tham luận tập trung phân tích một số vấn đề lý luận về quyền bình đẳng trong lao động của người khuyết tật (NKT), thực trạng pháp luật Việt Nam về quyền bình đẳng trong lao động của NKT từ góc độ so sánh với pháp luật một số quốc gia khác trên thế giới để từ đó đưa ra các kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về quyền bình đẳng trong lao động của NKT.
Tham luận tại Hội thảo với nội dung “Xóa bỏ rào cản trong tiếp cận và hưởng thụ quyền con người của phụ nữ khuyết tật ở Việt Nam hiện nay”, PGS.TS Nguyễn Thị Báo - Giảng viên cao cấp, Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Với tư cách là thành viên của cộng đồng nhân loại, phụ nữ khuyết tật có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận và hưởng thụ quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Bảo đảm quyền con người của phụ nữ khuyết tật có ý nghĩa quan trọng trong phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, do là nhóm tổn thương kép nên phụ nữ khuyết tật đang gặp nhiều rào cản trong tiếp cận và hưởng thụ quyền con người.
Trải qua gần 4 tiếng tham luận và trao đổi, Hội thảo đã nhận được nhiều ý tưởng, đóng góp mang tính xây dựng với nhiều góc độ và khía cạnh khác nhau. Hội thảo đã đưa ra nhiều giải pháp cải thiện khung pháp lý và tăng cường thực thi quyền của người khuyết tật tại Việt Nam, đồng thời tuân thủ các cam kết quốc tế, đặc biệt là việc thực hiện Công ước quốc tế và gia nhập Hiệp ước Marrakesh; Thúc đẩy quyền của người khuyết tật theo mục tiêu phát triển bền vững cũng như góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong cộng đồng.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:Ban Biên tập
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn